12/11/2013 - 08:22

Ưu tiên lợi ích

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 11-11 đã nối lại vòng đàm phán thứ hai về Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) sau thời gian ngưng trệ vì Chính phủ Mỹ bị đóng cửa. Có điều nó diễn ra trong bối cảnh nhiều nước cựu lục địa tuyên bố rằng họ mất lòng tin vào "anh bạn đồng minh" ở bên kia bờ Đại Tây Dương vì vụ nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Vòng đàm phán tại Brussels (Bỉ) dự kiến kéo dài trong 4 ngày này tập trung vào các vấn đề dịch vụ, đầu tư, năng lượng và nguyên liệu. Hai bên sẽ tiếp tục vòng đàm phán thứ ba vào giữa tháng 12 tới tại Washington để đẩy nhanh kế hoạch ký kết hiệp định cuối năm 2014 và hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% sản lượng kinh tế và 50% thương mại toàn cầu. Theo ước tính, TTIP sẽ giúp GDP của EU tăng thêm 160 tỉ USD và Mỹ 130 tỉ USD mỗi năm, đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm cho cả hai.

Lợi ích kinh tế rõ ràng là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, bất chấp những lời kêu gọi của một số nhà lập pháp châu Âu đòi đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại song phương với người Mỹ cho đến khi làm sáng tỏ "bóng đen" mờ ám của NSA.

Tuy nhiên, ngoài việc làm thế nào để giảm rào cản thương mại, EU và Mỹ sẽ đối diện với một vấn đề hết sức nhạy cảm khó vượt qua là khôi phục lòng tin để xây dựng khuôn khổ pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chia sẻ dữ liệu cá nhân là yếu tố then chốt trong nền kinh tế hiện đại, nhưng châu Âu lo ngại các công ty công nghệ Mỹ sử dụng nó vào mục đích thương mại hơn là quan tâm đến quyền riêng tư bất khả xâm phạm. Bê bối của NSA là bài học lớn cho EU trong quan hệ với Mỹ.

ĐƯỜNG THẤT
(Theo AFP, AP)

 

ĐƯỜNG THẤT (Theo AFP, AP)

Chia sẻ bài viết