06/05/2020 - 17:56

Ứng viên giám đốc tình báo Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa số 1 

Ồn ào xung quanh người được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử vị trí Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe (ảnh) lần nữa bị nhấc lên sau khi quan chức này có phiên điều trần tại Thượng viện.

 Ảnh: AFP

Phát biểu trước Ủy ban Tình báo Thượng viện ngày 5-5, ông Ratcliffe xác định Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất” với Mỹ khi họ đang theo đuổi tham vọng thay thế vị thế siêu cường của Washington. “Hãy nhìn vào tình hình dịch COVID-19 và vai trò của Trung Quốc, cuộc đua phát triển mạng 5G, vấn đề an ninh mạng...tất cả đều liên quan tới Bắc Kinh” - hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa nêu ra ví dụ.

Để củng cố lập luận, ông Ratcliffe tiếp tục chỉ ra việc Trung Quốc không ngừng tìm kiếm lợi ích địa chính trị thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường”, đẩy mạnh phát triển công nghệ chiến lược và sự mập mờ giữa chương trình quân sự và dân sự. “Tất cả đều nói lên tham vọng của Trung Quốc nhằm hất cẳng Mỹ khỏi vị thế siêu cường” - vị quan chức này nhấn mạnh. Hiển nhiên Washington không muốn để Bắc Kinh thiết lập lại luật chơi toàn cầu. Thấy rõ điều này, Ratcliffe cho biết nếu được phê chuẩn, ông sẽ ưu tiên đánh giá tác động của COVID-19 trên thế giới cũng như làm sáng tỏ câu hỏi liệu nguồn gốc dịch bệnh có phải từ Trung Quốc hay không.

Tuyên bố trên hoàn toàn phù hợp quan điểm của Tổng thống Trump thời gian gần đây khi chủ nhân Nhà Trắng nhiều lần tỏ ra nghi ngờ COVID-19 bắt nguồn từ Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc. Nhưng nó cũng khiến đảng Dân chủ quan ngại, rằng Ratcliffe có thể “chính trị hóa” việc thu thập tình báo khi bản thân ông bị đánh giá “trung thành mù quáng” với Tổng thống Trump. Trong động thái xoa dịu, ông Ratcliffe tại phiên điều trần hôm 5-5 cam kết chỉ nói sự thật, đảm bảo cung cấp các báo cáo khách quan, sẽ không vì làm hài lòng tổng thống mà thiên vị hay đi sâu vào những tranh cãi giữa ông Trump với cộng đồng tình báo.

Sau phiên điều trần, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr cũng tin ông Ratcliffe có thể đảm bảo cộng đồng tình báo hoạt động một cách độc lập. Song, đảng Dân chủ vẫn nghi ngờ khả năng John Ratcliffe vốn là “đồng minh” của ông Trump sẽ duy trì tính phi đảng phái và không bị ảnh hưởng từ Nhà Trắng. Đặc biệt khi ông này từng bác kết luận của cộng đồng tình báo cho rằng Nga đã cố giúp ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Khi Ratcliffe được đề cử lần thứ nhất hồi năm ngoái, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer thậm chí mô tả đây là kết quả việc nhân vật này thể hiện “lòng trung thành mù quáng” với Tổng thống Trump. Ông Ratcliffe sau đó cũng tự rút lui sau nhiều chỉ trích bản thân thiếu kinh nghiệm từ đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, Tổng thống Trump tiếp tục đề cử người này vào tháng 2 năm nay.

Vị trí Giám đốc Tình báo Quốc gia được lập ra sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, chịu trách nhiệm giám sát và điều phối hoạt động của 17 cơ quan tình báo dân sự và quân sự ở Mỹ, trong đó có cả Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và bộ phận phản gián của Cục Điều tra Liên bang (FBI). Chức vụ này bị bỏ trống sau khi Dan Coats, người thường xuyên bất hòa với ông Trump trong cách đánh giá về Nga, Iran và Triều Tiên, từ chức hồi tháng 8-2019. Thời điểm đó, Tổng thống Trump đã cáo buộc nhiều quan chức tình báo cấp cao khác “không trung thành” với Nhà Trắng về mặt chính trị, làm tăng sự phẫn nộ trong cộng đồng gián điệp Mỹ.

MAI QUYÊN (Theo AFP, CNN)

Chia sẻ bài viết