31/12/2014 - 09:17

Tương lai còn mờ mịt

Quốc hội Hy Lạp cuối cùng vẫn không thể chọn được tổng thống mới và buộc phải giải tán để tiến tới cuộc bầu cử trước thời hạn vào cuối tháng 1-2015. Đây sẽ là cuộc tổng tuyển cử thứ 4 kể từ khi nước này lâm vào khủng hoảng tài chính tồi tệ chưa từng có trong lịch sử cách đây 6 năm. Liên minh trung hữu do đảng Dân chủ mới của Thủ tướng Antonis Samaras lãnh đạo nắm quyền điều hành đất nước cũng chưa đầy 3 năm.

Cuộc khủng hoảng chính trị mới buộc chính phủ Hy Lạp phải tạm gác kế hoạch cải cách kinh tế-xã hội theo hai gói cứu trợ có tổng trị giá 240 tỉ euro của “bộ ba chủ nợ” Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trước “khoảng trống quyền lực” hiện nay, Thủ tướng Samaras kêu gọi người dân chấp nhận cuộc bầu cử mới nhằm khẳng định lại con đường đã giúp đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc nhất. “Đất nước chúng ta không có thời gian để lãng phí và cuộc bầu cử sớm có thể chất chứa hiểm nguy”-ông Saramas nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thông tin Quốc hội Hy Lạp không thể chọn được tổng thống đồng nghĩa với việc tiến hành cuộc bầu cử mới đã làm thị trường chứng khoán Athens lập tức giảm 11,3% sau đó mới dần hồi phục và chấp nhận ở mức giảm 3,9% cuối ngày 29-12. Sự “hắt hơi” mạnh của thị trường chứng khoán là dấu hiệu cảnh báo liên minh cầm quyền có thể thất bại trước đảng Syriza, tức liên minh cánh tả cấp tiến đối lập. Trong bối cảnh thu nhập hộ gia đình giảm 1/3 và thất nghiệp tăng cao hơn mức 25% kể từ khi chính phủ bắt đầu thực thi các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” theo yêu cầu của “bộ ba chủ nợ”, đảng Syriza vốn chủ trương phản đối cắt giảm mạnh chi tiêu công hoàn toàn có khả năng thắng cử.

Người dân xứ thần thoại có quyền quyết định tương lai chính trị của đất nước thông qua lá phiếu. Nhưng giới lãnh đạo châu Âu cảnh báo cử tri và các phe phái chính trị Hy Lạp cần tôn trọng cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng tiến trình cải cách cơ cấu và phát triển đất nước đặt trong lợi ích chung của khu vực đồng euro. Nói cách khác, Athens phải tuân thủ những quy định của EU và các “chủ nợ” khác nếu muốn giữ gói cứu trợ vốn giúp Hy Lạp tạm thời thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính nhưng lại là một trong những nguyên nhân đẩy quốc gia này vào cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay.

Xem ra, tương lai Hy Lạp vẫn còn rất mờ mịt.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết