26/09/2021 - 06:37

Tương lai bất định của người tị nạn Afghanistan 

Khi Taliban đến đánh chiếm thành phố Mazar-i-Sharif, miền Bắc Afghanistan hôm 14-8, Ferozan biết rằng cuộc sống của chị tại đây coi như đã kết thúc và chị phải tìm cách bỏ trốn khỏi Afghanistan cùng chồng và 2 con nhỏ.

Người tị nạn Afghanistan tại nhà thờ Hồi giáo Rizvia. Ảnh: Al Jazeera

Người tị nạn Afghanistan tại nhà thờ Hồi giáo Rizvia. Ảnh: Al Jazeera

“Lại có chiến tranh. Thật sự là tôi rất sợ. Chúng tôi quyết định tìm đường trốn thoát và lưu lạc đến đây. Hiện chúng tôi đang ở trong nhà thờ Hồi giáo Rizvia (thành phố Quetta, thủ phủ tỉnh Balochistan, phía Tây Nam Pakistan), không có quần áo, không có chăn và cũng không có gì khác. Tôi cầu xin chính phủ hãy giúp đỡ chúng tôi, dang tay cứu lấy những người nghèo khổ như chúng tôi” - Ferozan ngậm ngùi nói.

Giống như nhiều người dân tộc Hazara khác, Ferozan và gia đình cảm thấy bị đe dọa lớn hơn dưới thời Taliban, lực lượng bị cáo buộc có các hành động tàn bạo nhằm vào người Hazara trong thời gian cầm quyền giai đoạn 1996-2001. Trong nhiều thập kỷ qua, phong trào Hồi giáo Taliban bị cáo buộc triển khai một loạt vụ thảm sát và đánh bom có chủ đích nhằm vào dân tộc này. Tổ chức Ân xá Quốc tế hồi tháng 8 vừa qua đã tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy các tay súng Taliban sát hại 9 người đàn ông dân tộc Hazara sau khi giành quyền kiển soát tỉnh Ghazni hồi tháng 7.

Không những vậy, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) trong những năm gần đây cũng đã thực hiện hàng loạt vụ đánh bom nhằm vào cộng đồng người  Hazara, dân tộc lớn thứ ba tại Afghanistan và phần lớn là người Hồi giáo dòng Shiite.

Tuy nhiên, gia đình chị Ferozan cũng như hàng ngàn người đồng cảnh ngộ khác đang phải đối mặt với tương lai bất định tại đất nước mà giới chức chính phủ tuyên bố không thể nhận thêm bất kỳ người tị nạn nào nữa và đã bắt đầu trục xuất một số người tị nạn mới trở lại Afghanistan.

Liaquat Shahwani, phát ngôn viên chính quyền tỉnh Balochistan, nơi hầu hết những người tị nạn Afghanistan chọn làm điểm dừng chân, tuyên bố: “Chính quyền Balochistan và chính phủ liên bang cho hay hiện có khoảng từ 3-4 triệu người tị nạn Afghanistan đang ở Pakistan. Chúng tôi không gánh nổi gánh nặng đó. Do đó, chúng tôi không thể tiếp nhận thêm người tị nạn mới. Họ có thể đến tị nạn ở những quốc gia láng giềng khác”.

Jummadad Khan Mandhokhail, một quan chức tỉnh Balochistan, tiết lộ rằng ít nhất 250 người tị nạn Afghanistan mới đã bị trục xuất kể từ ngày 15-8, thời điểm Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul. Theo ông Mandhokhail, sở dĩ Pakistan buộc phải trục xuất họ vì chính phủ nước này ở thời điểm hiện tại chưa xây dựng bất kỳ trại tị nạn nào dành cho người tị nạn Afghanistan.

Moeed Yusuf, Cố vấn An ninh quốc gia Pakistan, cũng đưa ra lời giải thích tương tự. Ông Yusuf cam kết sẽ làm bất kỳ điều gì có thể cho những “người anh em” Afghanistan nhưng thế giới phải chịu trách nhiệm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo xảy ra. Ông này cho rằng cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ thiết lập “khu an toàn” bên trong Afghanistan cho những người phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột.

Kể từ khi Chính phủ Afghanistan sụp đổ, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính, hơn 9.290 người tị nạn mới đã đến Pakistan, hơn 90% trong số họ vượt qua biên giới phía Nam giữa thị trấn Spin Boldak của Afghanistan và thị trấn Chaman của Pakistan. Hơn 30% trong số này là người dân tộc Hazara.

Theo dữ liệu của UNHCR, Pakistan hiện là nơi trú ẩn của 1,4 triệu người tị nạn Afghanistan đã đăng ký cùng với khoảng 2 triệu người sống “chui”. Trong cuộc khủng hoảng vừa qua, Pakistan đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán công dân quốc tế ra khỏi Afghanistan. Ước tính, ít nhất 13.000 người, chủ yếu là công dân nước thứ 3 từ Mỹ, châu Âu và các nơi khác, đã đi qua Pakistan bằng đường hàng không hoặc đường bộ để đến nơi an toàn.

Trên thực tế, phần lớn người tị nạn mới cảm nhận được những khó khăn nếu sinh sống ở Pakistan, nơi đã có quá nhiều người nhập cư. Vì thế họ muốn tìm kiếm một quốc gia thứ 3. Sakina, 25 tuổi, một người tị nạn khác tạm cư tại nhà thờ Rizvia, cho biết chị mong muốn Liên Hiệp Quốc đưa gia đình chị tới một quốc gia phát triển, nơi họ có thể sống yên bình với các con. Còn ông Muhammad Zia, người bán hàng 50 tuổi từ Kabul, bày tỏ ông không thể quay trở lại Afghanistan và hy vọng “các cường quốc thế giới” có thể giúp người tị nạn như ông được định cư bất kỳ nơi đâu. Ông nói: “Chúng tôi có con cái, ở Afghanistan không có việc làm. Thỉnh cầu của chúng tôi là các nước có thể trao cho chúng tôi quyền công dân và giúp đỡ chúng tôi”.

Ngoài Pakistan, người tị nạn Afghanistan còn “trôi dạt” khắp nơi. Ước tính, gần 800.000 người tị nạn đã đăng ký và ít nhất 2 triệu người sống “chui” tại Iran. Số lượng nhỏ hơn người tị nạn và người xin tị nạn Afghanistan là ở Ấn Độ (15.689), Indonesia (7.692) và Malaysia (2.478). Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia tiếp nhận người tị nạn lớn nhất thế giới, có 980 người tị nạn Afghanistan đã đăng ký và 116.000 người Afghanistan xin tị nạn. Các quốc gia khác cam kết tiếp nhận tạm thời số lượng nhỏ người Afghanistan gồm Albania, Qatar, Costa Rica, Mexico, Chile, Ecuador và Colombia.

TRÍ VĂN  (Theo Al Jazeera, CNA)

Chia sẻ bài viết