NGUYỆT CÁT (Theo Al Jazeera)
Tòa án Hiến pháp Indonesia vừa ra phán quyết về việc hạ độ tuổi tối thiểu đối với các ứng viên tổng thống và phó tổng thống từ 40 xuống còn 35 tuổi, với điều kiện là trước đó họ từng được bầu vào cơ quan công quyền. Tòa cũng bác bỏ đề xuất giới hạn độ tuổi tối đa của ứng viên tổng thống là không quá 70 tuổi. Ðiều này góp phần gỡ bỏ rào pháp lý về tuổi tác của các chính trị gia “xứ vạn đảo” khi tham gia tranh cử.
Ông Gibran Rakabuming Raka (trái) và ông Prabowo Subianto (phải).
Ðiển hình, quyết định này đã giúp dọn đường cho Gibran Rakabuming Raka (36 tuổi) - thị trưởng thành phố Surakarta và cũng là con trai lớn của đương kim Tổng thống Joko Widodo - tham gia tranh cử cùng Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto (72 tuổi). Hôm 24-10, hai ông Prabowo và Gibran đã chính thức đăng ký tranh cử với tư cách là ứng viên tổng thống và phó tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 2-2024. Sự tham gia của họ đã làm nổi bật những cuộc tranh luận kéo dài về tuổi tác và ý nghĩa của nó đối với năng lực lãnh đạo chính trị của một cá nhân.
Trên thực tế, Indonesia không phải là quốc gia duy nhất mà tuổi tác của ứng viên trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi. Như tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden là người lớn tuổi nhất khi đắc cử tổng thống nước này vào năm 2020 - ở tuổi 78. Ông Biden cũng sẽ tái tranh cử vào năm 2024, bất chấp những nghi vấn về khả năng tiếp tục dẫn dắt đất nước từ các đối thủ. Trước đó, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cũng từng là nhà lãnh đạo lớn tuổi nhất thế giới khi nhậm chức hồi năm 2018 ở tuổi 92.
Trong khi các chính trị gia lớn tuổi dễ bị đánh giá là quá già để làm lãnh đạo, thì các chính trị gia trẻ tuổi lại phải đối mặt với những câu hỏi về năng lực lãnh đạo. Ðiều này thường được quy là do họ có thể thiếu kinh nghiệm chính trị và cuộc sống - theo Giáo sư Simon Butt, chuyên gia về luật pháp Indonesia tại của Ðại học Sydney (Úc). Chẳng hạn, cựu thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern (nhậm chức ở tuổi 37) và cựu Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (nhậm chức khi mới 34 tuổi) đều từng là mục tiêu tấn công của dư luận vì có tuổi đời trẻ hơn và kinh nghiệm sống ít hơn so với số đông chính trị gia khác.
Tại Indonesia, ứng viên phó tổng thống Gibran cũng đối mặt với sự chỉ trích tương tự, đặc biệt khi kinh nghiệm chính trị duy nhất của ông là làm thị trưởng Surakarta - thành phố có khoảng nửa triệu dân ở Trung Java. Ông Gibran làm công việc đó chỉ 2 năm trước khi quyết định tham gia tranh cử phó tổng thống.
Song, bà Titi Anggraini - thành viên ban cố vấn của Hiệp hội Bầu cử và Dân chủ Indonesia - cho rằng vấn đề ứng viên trẻ tuổi là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh chính trị Indonesia hiện nay. Theo dữ liệu từ Ủy ban Tổng tuyển cử Indonesia, 31% cử tri nước này dưới 30 tuổi. “Việc thực hiện sự phân đôi lãnh đạo theo độ tuổi không còn phù hợp nữa, đặc biệt là trong xu hướng chiếm ưu thế của cử tri trẻ và thanh niên trong đặc điểm nhân khẩu học của Indonesia” - bà Anggraini giải thích.
Theo bà Anggraini, việc ghép đôi các ứng viên trẻ và lớn tuổi khi tranh cử có thể mang lại hiệu quả nếu họ có thể giải quyết mối quan tâm của cử tri qua nhiều thế hệ. Ðược biết, ngoài cặp liên danh của hai ông Prabowo và Gibran, hai cặp ứng viên tranh cử khác sẽ tham gia đường đua vào năm tới gồm có cựu Thống đốc tỉnh Trung Java - Ganjar Pranowo (54 tuổi) với Bộ trưởng Ðiều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh - Mahfud MD (66 tuổi) và cặp cựu Thống đốc Jakarta - Anies Baswedan (54 tuổi) với Chủ tịch đảng Thức tỉnh Dân tộc - Muhaimin Iskandar (57 tuổi).