26/03/2017 - 10:27

Trung Quốc với tham vọng siêu cường công nghệ cao

Tim Byrnes, người rời bỏ vị trí tại New York để đến Thượng Hải làm việc, là một biểu tượng bất đắc dĩ cho tham vọng trở thành siêu cường công nghệ cao của Trung Quốc. Nhà vật lý lượng tử 39 tuổi này hiện đang nỗ lực phát triển các công nghệ mới mà ông hy vọng cuối cùng sẽ giúp tạo ra một máy tính lượng tử.

Chức vụ trợ lý giáo sư vật lý của Byrnes tại Đại học New York phân hiệu Thượng Hải là kết quả của một đợt tuyển dụng toàn cầu nhằm chiêu mộ 10.000 người thông minh nhất thế giới của Trung Quốc. Đây là một phần trong chiến lược rộng lớn nhằm xây dựng tiềm lực công nghệ của Bắc Kinh cùng với nỗ lực tái cơ cấu chính sách công nghiệp thông qua kế hoạch gọi là "Made in China 2025" (Sản xuất tại Trung Quốc 2025). Cho đến nay, hàng trăm tỉ USD đã được "bơm" vào hoạt động nghiên cứu cũng như mua lại tài sản ở nước ngoài. Chỉ trong 2 năm qua, Trung Quốc đã chi hơn 110 tỉ USD cho các hợp đồng mua bán và sáp nhập công nghệ.

Robot do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: FT

Nếu thành công, kế hoạch này có thể đánh dấu một sự thay đổi cơ bản, từ một nền kinh tế mang tiếng là "siêu sao chép" trở thành nền kinh tế dẫn dắt thế giới. Hiện bộ ba công nghệ "BAT" của Trung Quốc gồm Baidu, Alibaba và Tencent đang nâng cấp các mô hình mà các công ty này "học lỏm" từ Google, eBay và Facebook, nhưng mục tiêu của họ là tạo ra những thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực như bán dẫn hay trí tuệ nhân tạo.

"Từ bán dẫn đến thương mại điện tử, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không ngần ngại tuyên bố mục tiêu biến Bắc Kinh trở thành "bậc thầy về các công nghệ riêng của mình"", Robert Atkinson, Chủ tịch Quỹ Công nghệ Thông tin và Đổi mới, báo cáo trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 1-2017. Trong khi đó, Viện nghiên cứu về Trung Quốc Mercator dự đoán: "Về lâu dài, Trung Quốc sẽ giành quyền kiểm soát phân đoạn lợi nhuận cao của các chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu".

Made in China, được khởi động cách đây 2 năm, là một trong những chương trình được thiết kế nhằm nâng cao mục tiêu công nghệ của Trung Quốc. Dựa trên mô hình Industrie 4.0 của Đức, nó tạo ra một kế hoạch nhằm chuyển hướng sản xuất ra khỏi các nhà máy sử dụng lao động năng suất thấp sang thời đại công nghệ thông minh. Sử dụng nguồn dữ liệu lớn, điện toán đám mây và robot, Made in China đề xuất tự động hóa ngành công nghiệp và nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 70% vào năm 2025, từ mức 0-30% hiện nay.

Khó chịu trước việc phải chi cho nhập khẩu sản phẩm bán dẫn nhiều hơn là nhập khẩu dầu, từ năm 2014, Trung Quốc thông qua hình thức mua bán và sáp nhập đã bỏ ra 150 tỉ USD để phát triển lĩnh vực này, đồng thời đổ tiền đầu tư vào các tập đoàn trong nước trong khi khuyến khích các công ty đa quốc gia như Intel và Qualcomm thành lập chi nhánh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái này của Bắc Kinh đang gây ra nhiều tranh cãi. Do lo ngại về an ninh quốc gia, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài (CFIUS) của Mỹ hồi năm ngoái đã ngăn chặn việc ký kết một số thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận trị giá 3 tỉ USD giữa Trung Quốc và chi nhánh tại Mỹ của hãng công nghệ Philips (Hà Lan).

TRÍ VĂN (Theo Financial Times)

Chia sẻ bài viết