05/03/2012 - 21:24

Trung Quốc tìm giải pháp đối phó các thách thức lớn

Hôm qua (5-3), Quốc hội Trung Quốc đã bắt đầu kỳ họp thứ 5 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh với sự tham dự của gần 3.000 đại biểu trên toàn quốc cùng với các nhà lãnh đạo Đảng, nhà nước và chính phủ. Đây được coi là kỳ họp 10 ngày cuối cùng của Quốc hội Trung Quốc trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 được tổ chức vào mùa thu năm nay nhằm bầu ra ban lãnh đạo thế hệ mới.

Ảnh: euronews 

Phát biểu trong phiên khai mạc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo (ảnh) cho biết trong năm 2011, Trung Quốc đã đối phó tốt tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và duy trì được những thành quả phát triển kinh tế cao. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nước này vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội khi mà nền kinh tế toàn cầu chưa hồi phục, cuộc khủng hoảng nợ công tại nhiều nước chưa sớm chấm dứt cùng với những bất cập nội tại về cơ chế và cấu trúc của nền ninh tế nước nhà chưa được giải quyết.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định Trung Quốc vẫn đang trong “giai đoạn có nhiều cơ hội chiến lược quan trọng và điều kiện thuận lợi” để duy trì phát triển kinh tế lâu dài, đặc biệt là vấn đề phát huy nội lực và thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp vốn diễn ra nhanh chóng. Ông tuyên bố thúc đẩy tiêu dùng trong nước có ý nghĩa “sống còn” đối với tương lai của Trung Quốc, nhưng nó đòi hỏi chính phủ phải tăng chi tiêu cho dịch vụ xã hội, nâng cao mức sống cho tầng lớp thu nhập trung bình và thấp, mở rộng tín dụng tiêu dùng và trợ cấp nông nghiệp. Năm ngoái, tổng chi tiêu của chính phủ và chính quyền địa phương lên tới 12.400 tỉ NDT (1.970 tỉ USD), tăng 14% so với năm 2010, góp phần giúp GDP của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 9,2% bất chấp môi trường kinh tế quốc tế đầy khó khăn.

Tuy nhiên, chi tiêu mạnh để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đã khiến nhiều địa phương ở Trung Quốc lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, đồng thời làm tăng chỉ số lạm phát tạo tâm lý bất ổn xã hội. Do đó, Chính phủ Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay ở mức 7,5% nhằm thích ứng với tình trạng kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn cũng như đáp ứng đòi hỏi cải thiện cơ cấu kinh tế nhanh hơn sau nhiều năm tăng trưởng quá nóng. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc hạ chi tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm sau gần 2 thập niên đạt mức tăng trưởng trung bình 8%/năm.

Ngân sách chi tiêu công của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể không tăng cao như năm rồi nhằm kiềm chế lạm phát và ngừa nguy cơ vỡ nợ từ địa phương, nhưng ngân sách quốc phòng đã được người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Lý Triệu Tinh thông báo hôm 4-3 sẽ tăng 11,2%, đạt 111 tỉ USD, chỉ giảm chút ít so với mức tăng 12,7% trong năm 2011. Giới phân tích phương Tây cho rằng Chính phủ Trung Quốc đang chịu sức ép phải duy trì mức tăng chi tiêu quốc phòng hai con số liên tục trong suốt hơn 2 thập niên qua trong bối cảnh Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Lầu Năm Góc thậm chí tin rằng chi phí quốc phòng thật sự của Trung Quốc từ năm 2010 đã đứng hàng thứ hai thế giới với hơn 160 tỉ USD trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội như đóng tàu sân bay, tàu ngầm và tàu chiến mới, phát triển tên lửa đạn đạo trên biển, máy bay tiêm kích tàng hình...

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết