17/06/2013 - 21:05

Trung Quốc thúc đẩy “quyền lực mềm” thông qua giáo dục

Rất nhiều sinh viên phương Tây tham gia học tập tại các trường đại học Trung Quốc. Ảnh: CNN

Trung Quốc đang ngày càng thu hút sinh viên nước ngoài, kể cả sinh viên phương Tây, đến nước này học tập tại các trường cao đẳng và đại học như là cách khám phá một nền văn hóa lớn và mở ra cơ hội cạnh tranh việc làm trong tương lai. Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng đó là kết quả của một chiến lược có tính toán của Bắc Kinh thông qua nhiều hình thức học bổng và nâng cấp cơ sở vật chất giáo dục nhằm thúc đẩy sự phổ biến văn hóa và ngôn ngữ, đồng thời mở rộng “quyền lực mềm” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Quyền lực mềm” của Trung Quốc

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc (MOE), ở thời điểm hiện tại, số lượng sinh viên nước ngoài đang tham gia học tập, nghiên cứu tại Trung Quốc ngày một tăng dần, tăng 10% so với con số 290.000 sinh viên năm 2011. Đây được xem là một chiến lược có chủ đích của Chính phủ Trung Quốc. Bằng hình thức đầu tư như cấp học bổng và tăng cường cơ sở vật chất, Bắc Kinh muốn thúc đẩy việc quảng bá văn hóa cũng như ngôn ngữ của họ trên toàn cầu, đồng thời mở rộng “quyền lực mềm” trên lĩnh vực ngoại giao.

“Nếu anh chú ý đến bài phát biểu của ông Tập Cận Bình từ khi ông trở thành chủ tịch nước, ông đã nói rõ ràng rằng chính phủ của ông muốn tăng cường “quyền lực mềm” và sẽ sẵn sàng chi mạnh cho lĩnh vực này” – ông Yang Rui, một giáo sư tại Đại học Hồng Công, nói. “Sử dụng giáo dục như một phần của sự thúc đẩy quyền lực mềm đã được nhiều quốc gia áp dụng. Mỹ, Pháp và Nhật Bản đã làm điều này trong một thời gian dài nhưng cách mà người Trung Quốc đang làm thì có vẻ không khéo léo bằng” – ông Yang cho biết thêm.

Theo Tân Hoa Xã, kế hoạch 5 năm hiện nay của Bắc Kinh trong lĩnh vực giáo dục là đạt con số khoảng 500.000 sinh viên quốc tế theo học tại các cơ sở giáo dục bậc cao ở nước này vào năm 2020. Hiện Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng các chương trình đào tạo bằng tiếng Quan Thoại và tiếng Anh, đồng thời chính phủ nước này cũng đã công bố các kế hoạch nhằm tài trợ 50.000 suất học bổng dành cho sinh viên nước ngoài đến năm 2015. Theo MOE, có khoảng 290.000 sinh viên nước ngoài theo học tại quốc gia này năm 2011,  tăng nhiều so với con số chỉ 60.000 người vào năm 2001. Trong đó, sinh viên Hàn Quốc chiếm 62.442 người, tiếp theo là sinh viên Mỹ với 23.292 người, 17.961 sinh viên Nhật, 13.340 sinh viên Nga, 10.957 sinh viên Indonesia, 9.370 sinh viên Ấn Độ trong khi có khoảng 50.000 sinh viên châu Âu, nhiều nhất là Pháp với 7.592 người và Đức với 5.451 người.

Chất lượng đào tạo được đảm bảo?

Nhiều sinh viên nước ngoài tại Trung Quốc cho rằng việc học tại đây không những thú vị hơn so với học ở phương Tây, mà chi phí cũng rẻ hơn đáng kể. Theo MOE, học phí tại các trường đại học ở Trung Quốc trung bình khoảng 1.000 USD/học kỳ trong khi tiền thuê nhà, thực phẩm và các chi phí phát sinh cũng ít hơn. Trong khi đó, học phí tại Mỹ có giá từ 12.000 USD – 37.000 USD mỗi năm, tùy thuộc vào mô hình học tập. Ngoài ra, chi phí dành cho ăn, ở và học tập cũng vào khoảng 15.000 USD mỗi năm.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về chất lượng giáo dục bậc cao tại  Trung Quốc. “Trên bảng xếp hạng quốc tế, các trường đại học Trung Quốc không thể hiện tốt như các trường đại học ở các nước khác, dù tình hình có chuyển biến tích cực trong những năm gần đây” - ông Nick Clark, chuyên gia tại một tổ chức nghiên cứu giáo dục có trụ sở ở New York, cho biết. Và ông Yang tỏ vẻ lo ngại: “Tôi nhận được rất nhiều phàn nàn về chất lượng giảng dạy từ các sinh viên nước ngoài đang học tại Trung Quốc, đặc biệt đối với các trường đại học cấp khu vực”. Giáo sư Darryl Jarvis của Viện giáo dục Hồng Công cho rằng chất lượng của các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh tại Trung Quốc thua xa các nước là điểm đến hàng đầu của sinh viên quốc tế như Mỹ, Anh, Úc và Canada.

     TRÍ VĂN (Theo CNN)

 

Chia sẻ bài viết