|
Giá đồng NDT được cho là sẽ tăng nhẹ so với USD. Ảnh Reuters
|
Cuối tuần rồi, giới lãnh đạo Trung Quốc đã phát đi tín hiệu cho thấy nước này có thể sẽ sớm tăng giá đồng nhân dân tệ (NDT). Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) tại Brazil ngày 16-4, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khẳng định Bắc Kinh sẽ từng bước thông qua một cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi, song đó phải là cơ chế có thể kiểm soát và do chính nước này khởi xướng. Từ tháng 7- 2008 đến nay, đồng NDT được cố định ở mức 6,83 NDT “ăn” 1 USD.
Khả năng đồng NDT sẽ tăng giá còn được củng cố qua phát biểu của ông Lý Nguyên Triều, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trả lời báo giới nhân chuyến thăm Singapore ngày 17-4, ông này thừa nhận Trung Quốc đang xem xét điều chỉnh chính sách đối với đồng nội tệ.
Mỹ hiện đang đi đầu trong việc gây áp lực buộc Trung Quốc tăng giá đồng NDT mà theo họ là bị định giá thấp tới 40% nhằm tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu “Made in China”, gây ra sự mất cân đối trong mậu dịch toàn cầu. Washington cho rằng việc này đã khiến họ thâm hụt hàng trăm tỉ USD trong buôn bán với Trung Quốc mỗi năm và mất đi hàng triệu việc làm. Một số nghị sĩ Mỹ đang giục Nhà Trắng xác định Trung Quốc thao túng tiền tệ, từ đó có những biện pháp mạnh hơn buộc nước này nâng giá đồng NDT. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner mới đây đã quyết định hoãn công bố báo cáo về việc Trung Quốc có thao túng đồng NDT hay không, rồi bất ngờ tới Bắc Kinh hôm 8-4 nhằm tìm giải pháp cho vấn đề mà không làm căng thẳng thêm quan hệ song phương.
Trong khi đó, Trung Quốc luôn bác bỏ cáo buộc nước này thao túng tiền tệ. Bộ trưởng Thương mại Trần Đức Minh dẫn chứng rằng giai đoạn 2005-2008, giá trị đồng NDT tăng hơn 20% nhưng thặng dư thương mại của Trung Quốc vẫn tăng. Còn năm ngoái, giá trị đồng NDT ổn định nhưng thặng dư chỉ đạt 196 tỉ USD, giảm 34% so với năm 2008. Thậm chí tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên trong vòng 6 năm Trung Quốc đã bị thâm hụt thương mại (hơn 7,2 tỉ USD). Thứ trưởng Ngoại giao Thôi Thiên Khải hồi tuần rồi cũng khẳng định việc tái định giá đồng NDT không giải quyết được sự mất cân đối trong buôn bán giữa Trung Quốc với Mỹ, cũng như không làm giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao tại xứ cờ hoa. “Bạn bị cảm lạnh và bạn yêu cầu người láng giềng uống thuốc. Điều đó sẽ không giải quyết được triệu chứng bệnh của bạn”, ông này nói một cách đầy hình tượng. Do vậy, theo lời Thứ trưởng Thôi Thiên Khải, nếu Trung Quốc định giá lại đồng NDT là nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của nước này chứ không phải vì áp lực từ bên ngoài.
Theo Tân Hoa Xã, lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ giảm 30-50% nếu đồng NDT tăng 3% so với USD. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng tăng giá đồng NDT về dài hạn sẽ có ích cho Trung Quốc. Chẳng hạn nó kích thích tiêu dùng trong nước do giá hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn, và điều này giúp kinh tế Trung Quốc giảm lệ thuộc vào xuất khẩu. Trước mắt, tăng giá đồng nội tệ cũng giúp Trung Quốc làm dịu đi áp lực lạm phát, vốn lên tới 2,7% trong tháng 2, mức cao nhất trong hơn một năm qua.
Nhiều chuyên gia kinh tế và tiền tệ dự báo Trung Quốc sẽ sớm tăng giá đồng NDT khoảng 2-5%.
LÊ DÂN
(Theo Bloomberg, Dow Jones, THX)