29/12/2020 - 08:32

Trung Quốc muốn “bá quyền” nguồn nước 

Việc Trung Quốc mở rộng kiểm soát nguồn nước thông qua các con đập và hồ chứa trên những con sông xuyên biên giới có thể đe dọa tương lai châu Á, giới phân tích cảnh báo.

Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử xả nước. Ảnh: Reuters

Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử xả nước. Ảnh: Reuters

Từ năm 1951, Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát gần như hoàn toàn đối với khu vực đầu nguồn của hệ thống các con sông lớn ở châu Á khi giành được “tháp nước” của khu vực là Cao nguyên Tây Tạng. Trong khi cộng đồng quốc tế vẫn theo dõi hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh những năm gần đây đồng thời lặng lẽ tập trung vào nhiều vùng nước ngọt, nơi có những con sông bắt nguồn từ lãnh thổ do họ kiểm soát qua biên giới tự nhiên với 18 quốc gia ở hạ nguồn.

Đây là một phần trong chiến lược lớn hơn của Trung Quốc nhằm vơ vét tài nguyên nước trên các con sông quốc tế, phục vụ tham vọng mở rộng quyền kiểm soát và tăng sức ảnh hưởng trên toàn châu Á. Trong đó, việc Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng thủy điện để nắn lại các dòng chảy đang để lại hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như họ đã xây dựng 11 con đập lớn trên sông Mekong ngay trước khi dòng sông này chảy vào lãnh thổ nước khác khiến hạn hán ở hạ lưu ngày càng tồi tệ và biến lưu vực này thành điểm nóng về an ninh và môi trường. Tương tự, nguồn cung cấp nước chủ yếu cho một số vùng khô cằn ở Trung Á cũng đang chịu áp lực khi Trung Quốc khai thác ngày càng nhiều nước trên sông Illy và Irtysh bắt nguồn từ Tân Cương. Việc Bắc Kinh chuyển hướng nước từ sông Illy có nguy cơ biến hồ Balkhash của Kazakhstan thành một biển Aral khác - vùng bồn địa trũng đã gần như cạn kiệt trong vòng chưa đầy 40 năm.

Giữa bối cảnh cạnh tranh tài nguyên nước gia tăng, Trung Quốc tháng rồi tiếp tục công bố kế hoạch xây “siêu đập thủy điện” trên sông Brahmaputra ở Tây Tạng, dự kiến triển khai vào năm tới. Brahmaputra là một trong những con sông lớn của châu Á chảy qua Tây Tạng, Ấn Độ, Bangladesh và đổ ra vịnh Bengal. Với công suất dự án lớn gấp 3 lần đập Tam Hiệp, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung Quốc Yan Zhiyong coi đây là “cơ hội lịch sử” trong khi Bangladesh và Ấn Độ nơm nớp lo ngại công trình của Trung Quốc gây ra tình trạng lũ quét và cạn nước tại con sông này.

Trước đó, Trung Quốc đã hoàn tất 20 trong số 29 con đập vừa và nhỏ ở vùng thượng lưu sông Brahmaputra. Trong tương lai, “siêu đập thủy điện” trên nhánh chính của con sông sẽ cho phép Bắc Kinh điều khiển lưu lượng dòng chảy hiệu quả hơn. Sự thao túng này có thể tạo ra hạn hán hoặc lũ lụt nhân tạo, dẫn đến quan ngại Trung Quốc “vũ khí hóa nguồn nước” để thúc đẩy các yêu sách trong bối cảnh quan hệ Trung - Ấn căng thẳng do tranh chấp biên giới phía Tây dãy Himalaya. Trước mối lo trên, New Delhi cũng có ý định xây dựng một dự án thủy điện của riêng mình trên dòng Brahmaputra nhằm “hạn chế tác động tiêu cực từ những con đập của Trung Quốc”.

Theo các nhà chuyên môn, việc Trung Quốc xây quá nhiều đập trên các con sông đã làm tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái khu vực. Và một cuộc đua đập thủy điện trên dòng Brahmaputra có thể leo thang thành “cuộc chiến nguồn nước”, dẫn đến thảm họa môi trường. Vì lợi ích của mình cũng như toàn châu Á, các nhà hoạt động kêu gọi Trung Quốc hợp tác nhằm đảm bảo lợi ích của những nước vùng hạ nguồn không chịu phương hại bởi hoạt động ở thượng nguồn. Điều này đòi hỏi Trung Quốc kiềm chế “cơn cuồng đập thủy điện”, minh bạch trong các dự án cũng như chấp nhận cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương. Song, giới phân tích cho rằng điều này khó xảy ra một khi Bắc Kinh vẫn coi việc xây đập ồ ạt là quyền của mình và từ chối tham gia hiệp ước chia sẻ nguồn nước với các láng giềng.

MAI QUYÊN (Theo Japan Times)

Chia sẻ bài viết