Trái với mong đợi của Trung Quốc, nỗ lực mà Bắc Kinh thúc đẩy nhằm sửa chữa hình ảnh bị tổn hại do cách xử lý đại dịch COVID-19 (ở giai đoạn đầu) dường như đang bị phản tác dụng - tờ Washington Post nhận định.

Hàng viện trợ của Trung Quốc trên đường đến châu Âu. Ảnh: AFP
Khi dịch bệnh trong nước giảm bớt, Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy chiến dịch “tấn công quyến rũ” thông qua cam kết viện trợ nhân đạo dưới hình thức cung cấp vật tư y tế và giúp đỡ về chuyên môn. Trên mặt trận tuyên truyền, hình ảnh khẩu trang Trung Quốc gởi đến 100 quốc gia cùng những câu chuyện ca ngợi quyết tâm dẹp dịch hay sự hào phóng của Bắc Kinh được đăng tải ngập tràn trên các kênh truyền thông và mạng xã hội.
Thời điểm phương Tây mới khởi động cuộc chiến chống COVID-19, chiến lược này phần nào đạt hiệu quả khi Trung Quốc giành được khen ngợi, làm lu mờ thực tế COVID-19 bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán cùng những chỉ trích về sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh trong quá trình kiểm soát dịch bệnh. Chẳng hạn Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic từng hết lời ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình và sự giúp đỡ của “người anh em”. Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio thì nói rằng nhờ viện trợ của Trung Quốc mà nước này càng thêm xác nhận quyết định “giữ khoảng cách” với Liên minh châu Âu. Ở châu Phi, vị thế của Trung Quốc cũng tiếp tục được củng cố khi hàng quyên góp của tỉ phú Jack Ma nhanh chóng chuyển tới.
Nhưng trải qua một tháng, chiến dịch của Bắc Kinh nhằm sửa lại câu chuyện về dịch COVID-19 có dấu hiệu quá đà, thậm chí phản tác dụng. Trong tiết lộ gần đây, các quan chức Đức và tiểu bang Wisconsin (Mỹ) đã vạch trần nỗ lực từ Trung Quốc nhằm thuyết phục họ công khai ca ngợi Bắc Kinh. Còn ở Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc và Hà Lan, chính phủ những nước này đã thu hồi khẩu trang, dụng cụ xét nghiệm đặt hàng từ Trung Quốc. Ngoài lý do thiết bị y tế không đạt chuẩn, cảnh báo của giới chuyên gia về việc Bắc Kinh lợi dụng dịch COVID-19 tăng cường ảnh hưởng, thúc đẩy tham vọng lãnh đạo toàn cầu có thể khiến nhiều nước e ngại.
Tại Anh, một ủy ban quốc hội về quan hệ đối ngoại đã giục chính phủ đề ra biện pháp đối phó sự gia tăng tin tức không đáng tin cậy từ Trung Quốc. Hồi tháng trước, lãnh đạo phe cực hữu Ý Matteo Salvini còn cho rằng Bắc Kinh có thể phạm tội ác “chống lại loài người” nếu các cáo buộc “giấu dịch” được chứng minh. Làn sóng chỉ trích cũng lan rộng đến Nam Mỹ khi các đồng minh của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nhiều lần cảnh báo cường quốc châu Á đang thao túng khủng hoảng.
Lucrezia Poggetti thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Đức) nhận định, “ngoại giao viện trợ” có thể giúp Bắc Kinh giành lấy quyền lực mềm trong thời gian ngắn nhưng chiến lược tuyên truyền có thể phản tác dụng nếu đi quá xa.
Theo giới quan sát, làn sóng hoài nghi ngay cả từ những nước vốn thân thiện với Trung Quốc sẽ là thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt sau đại dịch. Lúc cuộc khủng hoảng này được kiểm soát, xu hướng các quốc gia như Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nhật Bản... đánh giá lại quan hệ với Trung Quốc có khể khiến Bắc Kinh “đau đầu”, đặc biệt giữa thời điểm họ đang thèm khát vai trò lãnh đạo thế giới.
MAI QUYÊN (Theo Washington Post, NYT)