Nhu cầu cá hồi nuôi của Trung Quốc đang tăng với tốc độ “chóng mặt”. Theo đó, lượng nhập khẩu cá hồi nuôi của nước này năm 2023 tăng 46% so với năm 2022, trong khi lượng nhập khẩu cá hồi Đại Tây Dương tươi và đông lạnh tăng 63%.
Đầu bếp Trung Quốc chế biến món ăn từ cá hồi. Ảnh: The Conversation
Sự gia tăng đáng kể nói trên đang tái định hình hoạt động thương mại hải sản toàn cầu. Các nhà xuất khẩu từ Scotland, Na Uy, Chile, Úc, Quần đảo Faroe, Canada hay Iceland chạy đua để đáp ứng nhu cầu cá hồi của thị trường rộng lớn và đang phát triển một cách nhanh chóng này. Về phần mình, Trung Quốc đang nỗ lực tự sản xuất cá hồi Đại Tây Dương nhưng Bắc Kinh phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, qua đó buộc phải thay thế bằng cá hồi vân để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nước. Đáng chú ý, Chính phủ Trung Quốc hồi năm 2018 đã cho phép cá hồi vân được dán nhãn và bán như cá hồi Đại Tây Dương, qua đó làm mờ ranh giới giữa cá hồi Đại Tây Dương nhập khẩu và cá hồi vân nuôi trong nước.
So với cá hồi Đại Tây Dương, cá hồi vân có kích thước tương đương, thịt chắc, nhiều dầu và màu hồng cam tương tự. Hai loài cá này cũng giống nhau về mặt dinh dưỡng, cách chế biến cũng như cách nấu nướng. Một cuộc thử nghiệm gần đây cho thấy, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc nhìn bề ngoài không thể phân biệt được cá hồi vân nuôi trong nước với cá hồi Đại Tây Dương nhập khẩu. Song, khi được biết về nguồn gốc của 2 loại cá này, những người tham gia thử nghiệm lại “chuộng” cá hồi Đại Tây Dương nhập khẩu hơn.
Tuy nhiên, việc vận chuyển cá hồi Đại Tây Dương từ các hồ ở Scotland, các vịnh hẹp của Na Uy hoặc vùng biển của Chile đến thị trường Trung Quốc rất phức tạp về mặt hậu cần và “ngốn” nhiều chi phí về môi trường. Chưa kể, dấu chân carbon - tổng lượng khí nhà kính được tạo ra bởi các hành động của con người - của ngành thương mại này kết hợp với bản chất thâm dụng tài nguyên của hoạt động nuôi cá hồi đã làm dấy lên những lo ngại về tính bền vững.
Những thách thức trên đặc biệt rõ nét ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng rất “ưa” cá hồi tươi. Chính điều này đã thúc đẩy nhu cầu giao hàng nhanh cá hồi nhập khẩu bất chấp tác động đối với môi trường cũng như khiến người tiêu dùng ngày càng “chuộng” mua hải sản trên các nền tảng trực tuyến, trong bối cảnh thương mại điện tử đang tái định hình hoạt động bán lẻ hải sản ở Trung Quốc, cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh và các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng và độ tươi.
Không giống như các loại hải sản đắt tiền khác vốn thường cần phải bán sống để duy trì giá trị, cá hồi vẫn giữ được sức hấp dẫn khi được đông lạnh. Điều này khiến cá hồi đặc biệt phù hợp với các mô hình bán lẻ hiện đại ở Trung Quốc. Song, việc lưu trữ tốn nhiều năng lượng cùng với việc vận chuyển nhanh chóng nhằm đảm bảo độ tươi của cá hồi nhập khẩu đã góp phần đáng kể vào tác hại đối với môi trường.
Trong động thái nhằm giảm tác hại đối với môi trường, Trung Quốc đã nỗ lực thiết lập ngành công nghiệp cá hồi Đại Tây Dương trong nước nhưng phần lớn không thành công do những thách thức về kỹ thuật cũng như hạn chế về môi trường. Điều này khiến cá hồi vân nuôi trong nước được “hưởng lợi”. Năm 2022, Trung Quốc đã sản xuất 37.000 tấn cá hồi vân. Tuy con số này tương đối nhỏ so với mức sản xuất quốc tế nhưng vẫn đáng được ghi nhận, bởi cá hồi vân là loài mới được nuôi ở Trung Quốc, không giống như nuôi các loài cá truyền thống như cá chép. Chưa kể, nuôi cá hồi vân được xem là một giải pháp thay thế bền vững đối với cá hồi Đại Tây Dương, giúp giảm lượng khí thải carbon liên quan đến nhập khẩu và đảm bảo độ tươi ngon hơn cho người tiêu dùng. Theo giới chuyên gia, việc phát triển ngành công nghiệp cá hồi trong nước mạnh mẽ có thể giúp Trung Quốc tăng cường an ninh lương thực, giảm sự phụ thuộc vào cá hồi nhập khẩu và tạo ra nhiều cơ hội kinh tế ở các vùng nông thôn.