Dân số Trung Quốc đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ những năm 1960, trong khi tỷ lệ sinh giảm và lực lượng lao động ngày càng già hóa, khiến Bắc Kinh phải đối mặt với một trong những thách thức về kinh tế, xã hội nghiêm trọng nhất.
Trẻ em Trung Quốc trong giờ tan trường. Ảnh: SCMP
Kết quả cuộc tổng điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 được công bố ngày 11-5 cho thấy, dân số ở Trung Quốc đại lục năm 2020 là 1,412 tỉ người, tăng 5,38% so với năm 2010. Như vậy, dân số ở nước này chỉ tăng trung bình 0,53%/năm giai đoạn 2010-2020.
Số liệu cũng cho thấy, trẻ em Trung Quốc dưới 14 tuổi đạt mức 253,38 triệu trong năm 2020, tương đương 17,95% dân số, tăng 1,35% so với cuộc điều tra dân số năm 2010. “Tỷ lệ trẻ em tăng trở lại, chứng tỏ việc điều chỉnh chính sách mức sinh của Trung Quốc đã đạt những kết quả tích cực” - Cục Thống kê Quốc gia (NBS) nhận định.
Tuy nhiên, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc giảm. Cụ thể, có khoảng 894,38 triệu người trong độ tuổi 15-59, chiếm 63,35% dân số, giảm 6,79% so với cuộc điều tra dân số năm 2010. Trong khi đó, số người cao tuổi tăng lên. Theo đó, có đến 264,02 triệu công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm 18,7% dân số, tăng 5,44% so với năm 2010. Trong đó, có 190,64 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 13,5% dân số mà NBS cho rằng sẽ “tiếp tục gây áp lực lên sự phát triển cân bằng lâu dài của dân số trong giai đoạn tới”.
Trong ước tính gần đây nhất vào tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc dự báo dân số sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2027. Song, các nhà nhân khẩu học vẫn tin rằng dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm ngay trong năm tới, khi số ca sinh giảm xuống dưới 10 triệu trong khi số người chết vượt quá 10 triệu.
Thật ra, nhiều dấu hiệu cho thấy tỷ lệ sinh và dân số quốc gia Trung Quốc đang trên đà giảm mà giới chuyên gia lo ngại có thể gây những hậu quả nghiêm trọng. Theo số liệu chính thức, so với năm 2019, tỷ lệ sinh của thủ đô Bắc Kinh giảm 24,3% trong năm 2020. Mặt khác, Trung Quốc hồi năm ngoái cũng chỉ ghi nhận 10,035 triệu ca sinh mới, giảm so với 11,79 triệu ca hồi năm 2019. Chính tình trạng này đã đẩy Trung Quốc đến bờ vực cuộc khủng hoảng nhân khẩu học có thể kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến tình trạng già hóa dân số tương tự như các nước phát triển, làm dấy lên lo ngại rằng nước này “già trước khi giàu”.
Trong khi đó, xu hướng già hóa dân số của Trung Quốc dường như khó có thể bị đảo ngược, bởi sau 3 thập kỷ chính sách một con được thực thi để hạn chế gia tăng dân số, quan điểm của nhiều người Trung Quốc về số con đã thay đổi, nhiều người chỉ thích có một con. “Trung Quốc đang phải đối mặt với một thách thức về nhân khẩu học cấp bách và nghiêm trọng nhất thế giới. Ðây là một quả bom hẹn giờ dài hạn” - Liang Jianzhang, chuyên gia về nhân khẩu học, giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Ðại học Bắc Kinh, nhận định.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2027, Ấn Độ sẽ qua mặt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Đến năm 2050, dân số Trung Quốc chỉ còn 1,4 tỉ người, trong khi con số đó ở Ấn Độ là 1,64 tỉ người.
TRÍ VĂN (Theo SCMP, NYT)