Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại còn tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, người lao động Trung Quốc ở độ tuổi 30 cảm thấy bất an hơn trước sự phân biệt đối xử về tuổi tác khi các doanh nghiệp chuộng lao động trẻ “đầy nhiệt huyết” lại không đòi hỏi khắt khe về lương.
Thế hệ gen Y bị coi là “quá già” với một số nhà tuyển dụng ở Trung Quốc. Ảnh: AP
Vốn có công việc ổn định và suy nghĩ gắn bó lâu dài, chuyên gia nhân sự tự xưng tên Emily không ngờ bản thân bị sa thải ở tuổi 35. Từ khi mất việc hồi đầu năm, Emily gửi hồ sơ khắp nơi nhưng không thể nào tìm được vị trí khác trong lĩnh vực tương tự. Chuyển hướng sang ngành dịch vụ như nhân viên pha chế hoặc chuyên gia pha trà, Emily vẫn bị từ chối hoặc không được phản hồi.
Câu chuyện trên của Emily là một trong vô số trường hợp người lao động tự gọi mình là nạn nhân của “lời nguyền tuổi 35”, hiện tượng phổ biến trong xã hội Trung Quốc khi doanh nghiệp có xu hướng phân biệt đối xử về tuổi trong quá trình tuyển dụng. “Người lao động trẻ thì được coi là nguồn nhân lực, còn nhóm trên 35 tuổi thì bị xem là chi phí nhân sự” - Phó Giáo sư Pan Wang tại Ðại học New South Wales ở Úc cho biết.
Trước năm 2019, các quy định của Trung Quốc về tuyển dụng nhân viên làm việc trong nhà nước đều yêu cầu công chức dưới 35 tuổi. Theo sự dẫn dắt của chính phủ, khu vực tư nhân cũng nhắm đến ứng viên trẻ.
Yêu cầu tuyển dụng dưới 35 tuổi phổ biến khi các quan điểm khách quan như ứng viên trẻ có động lực hơn được công nhận rộng rãi. Trong đó, người trẻ được cho không đòi hỏi về lương và ít phàn nàn “văn hóa làm việc 996”, tức làm việc cường độ cao từ 9h sáng đến 9h tối suốt 6 ngày/tuần. Ðặc biệt, với nhóm ngành mới nổi như công nghệ, các công ty thường thích dùng người có thể tiếp thu nhanh cái mới, chăm chỉ và sáng tạo. Xu hướng này được thúc đẩy khi các nhà tuyển dụng thoải mái lựa chọn người mới trong số hàng triệu sinh viên tốt nghiệp hàng năm.
Lao động nước ngoài ở Trung Quốc cũng không nằm ngoài ảnh hưởng trên. Và nếu so về giới, vấn đề này tác động tiêu cực hơn ở phụ nữ khi lao động nữ thường bị cho có kỹ năng thấp, nhiều trách nhiệm gia đình nên khó đóng góp lớn cho công ty. Tình trạng tệ hơn khi nó đi kèm định kiến giai cấp khiến những phụ nữ trên 35 tuổi di cư từ vùng nông thôn trở thành nhóm có địa vị bấp bênh và dễ bị tổn thương nhất trên thị trường việc làm Trung Quốc.
Trung Quốc không có luật cụ thể về chống phân biệt đối xử liên quan tuổi, nhưng vấn đề này từ năm ngoái đã được quan tâm hơn khi các kênh tin tức chính thống đồng loạt chỉ trích những công ty có hành vi tuyển dụng “phân biệt đối xử”. Trước đó, Bắc Kinh cũng nới lỏng giới hạn độ tuổi từ 35 lên 40 tuổi với một số ứng viên công chức. Gần đây, Trung Quốc cập nhật chính sách nâng tuổi nghỉ hưu để đối phó tình trạng dân số già. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều quanh chính sách mới, nhưng tuổi trung niên và tuổi già ở Trung Quốc có vẻ được “định nghĩa lại” và theo thời gian, nạn phân biệt tuổi tác tại nơi làm việc có thể dần biến mất.
Trong khi một bộ phận người lao động Trung Quốc trăn trở nạn phân biệt đối xử vô hình về độ tuổi, nhiều người coi “lời nguyền tuổi 35” chỉ là cách nói phóng đại. Theo ý kiến này, nhân viên lớn tuổi chỉ có nguy cơ mất việc nếu họ yêu cầu mức lương cao nhưng lại ngừng học hỏi kỹ năng mới. Cũng có những ý kiến lạc quan nói rằng bị sa thải ở tuổi trung niên chưa phải kết thúc. Thay vì làm việc văn phòng, họ có thể dư thời gian tận hưởng cuộc sống khi chuyển sang các ngành nghề tự do hoặc tìm đến mạng xã hội để tăng thêm thu nhập.
MAI QUYÊN (Theo ABC)