|
Hiện trường vụ tấn công giết hại con trai út ông Gadhafi. Ảnh: AFP |
Con trai út của nhà lãnh đạo Libye Muammar Gadhafi đã thiệt mạng trong cuộc không kích của liên quân vào cuối tuần qua, trong khi nỗ lực trung gian hòa giải của Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Yemen coi như thất bại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Libye Moussa Ibrahim cho biết cuộc không kích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào đêm 30-4 đã sát hại con trai út 29 tuổi Seif al-Arab của ông Gadhafi, cùng với 3 người cháu trai tại nhà riêng ở Thủ đô Tripoli. Không giống như anh trai Seif al-Islam, người được cho là sẽ kế nhiệm ông Gadhafi trước khi bùng phát làn sóng biểu tình ở Libye 2 tháng trước, Seif al-Arab được xem là không quan tâm nhiều tới chính trị. Một bức điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2009 bị rò rỉ trên WikiLeaks cho biết Seif al-Arab dành phần lớn thời gian ở Munich (Đức) để theo đuổi công việc kinh doanh và tiệc tùng. Vì vậy, sau cái chết của Seif al-Arab, ông Ibrahim cáo buộc NATO thực chất đang muốn ám sát trực tiếp ông Gadhafi, bởi ông này và vợ cũng có mặt ở đó vào thời điểm không kích, nhưng may mắn là cả hai đều thoát nạn.
Vài tuần qua, các quan chức phương Tây chia rẽ về việc liệu ông Gadhafi có phải là mục tiêu tấn công hợp pháp theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hay không. Tuần rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho biết NATO “không nhắm mục tiêu vào ông Gadhafi” nhưng các cơ sở chỉ huy và kiểm soát của ông này là mục tiêu hợp pháp. Washington đã bác bỏ tuyên bố hồi tháng rồi của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox rằng việc ám sát ông Gadhafi là “có khả năng”.
Cũng trong ngày 30-4, NATO đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn của ông Gadhafi, nói rằng các lực lượng chính phủ Libye phải ngưng tấn công dân thường trước khi xem xét đề nghị mới.
Tại Yemen, Tổng thư ký GCC Abdullatif al-Zayani đã bất ngờ rời cuộc họp với Tổng thống nước này Ali Abdullah Saleh hôm 30-4, và lập tức rời Thủ đô Sanaa mà không đưa ra bất kỳ bình luận gì. Theo một quan chức chủ chốt của Yemen, thỏa thuận chính trị nhằm chấm dứt bất ổn ở nước này đang đứng trước bờ vực sụp đổ.
Mới đây, Tổng thống Saleh và phe đối lập đã nhất trí trên nguyên tắc về thỏa thuận nhằm giải quyết bất đồng, theo đó ông Saleh sẽ chuyển giao quyền lực và rời nhiệm trong vòng 30 ngày kể từ khi ký hiệp ước, đổi lại ông và gia đình sẽ được miễn truy tố. Hiệp ước cũng quy định thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, thỏa thuận đã gặp trở ngại hôm 30-4, khi Saleh tuyên bố ông sẽ không tới Riyadh (Arabie Séoudite) để ký hiệp ước, mà chỉ cử một cố vấn đi thay. Trong cuộc họp cùng ngày sau đó với ông Zayani, Tổng thống Saleh đưa ra yêu cầu vào phút chót rằng thỏa thuận phải được ký ở Sanaa, chứ không phải ở Riyadh. Saleh cũng nói rằng ông sẽ ký hiệp ước với tư cách là lãnh đạo đảng cầm quyền Đại hội Nhân dân, chứ không phải với tư cách tổng thống như đã thỏa thuận trước đây.
Người phát ngôn các đảng đối lập Yemen cho biết họ không bất ngờ trước những diễn biến mới, và xem đó như bằng chứng cho thấy ông Saleh vẫn còn muốn níu kéo quyền lực. Phe đối lập tuyên bố chỉ ký hiệp ước khi nào đích thân ông Saleh tới Riyadh và ký với tư cách tổng thống.
N. KIỆT (Theo WSJ, LA Times, Bloomberg)