Ngay sau chuyến thăm Nga, Thủ tướng Anh David Cameron đã bắt đầu công du Mỹ, trong đó có cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 13-5.
Báo chí xứ sương mù cho biết trong chuyến xuất ngoại quan trọng lần này, Thủ tướng Cameron muốn thể hiện vai trò ảnh hưởng nhất định của Anh trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh, chính trị tại Syrie. Hiện tại, kế hoạch bao vây, lật đổ chế độ Tổng thống Syrie Bashar al-Assad do Anh-Pháp khởi xướng coi như đã thất bại và điều này khiến uy tín của Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Cameron giảm sút trong mắt công chúng hai nước và dư luận phương Tây. Do đó, ông Cameron phải gạt các bất đồng trước đây với Nga để sang gặp Tổng thống Vladimir Putin và sử dụng "mối quan hệ đặc biệt" với Mỹ nhằm giành vị thế của nước Anh tại hội nghị quốc tế tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Syrie mà ngoại trưởng Nga-Mỹ vừa đạt được hồi tuần trước.
Đặc biệt, ông chủ tòa nhà số 10 phố Downing ở Luân Đôn đang thực hiện sứ mạng thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ nhằm qua đó giúp nước Anh có thêm thị trường mở khổng lồ trong bối cảnh thị trường chung châu Âu bó hẹp vì khủng hoảng tài chính. Chuyến đi Washington của ông Cameron có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của thỏa thuận thương mại xuyên bờ Đại Tây Dương trước cuộc họp cấp cao của Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) tại Bắc Ireland (thuộc Anh) vào tháng 6 tới.
Tuy nhiên, theo hãng tin tài chính Bloomberg tại Mỹ, chuyến công du Washington của ông Cameron đã bị phủ bóng bởi sức ép chính trị trong nước. Khoảng 100 nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền dọa bỏ phiếu chống dự thảo sửa đổi quy chế bầu cử quốc hội nếu Thủ tướng Cameron không sớm tổ chức trưng cầu dân ý quyết định số phận ghế thành viên của Anh trong EU. Ngoài các nghị sĩ, Bộ trưởng Giáo dục Michael Gove, đồng minh chủ chốt của ông Cameron, đã trở thành quan chức chính phủ cấp cao nhất tuyên bố ủng hộ Anh xem xét kế hoạch rời khỏi EU.
Khả năng đồng minh Anh rút khỏi EU khiến giới lãnh đạo Mỹ hết sức lo lắng, bởi Luân Đôn là mắt xích quan trọng nhất duy trì mối quan hệ sống còn giữa hai bờ Đại Tây Dương. Vị trí tương lai của nước Anh trong EU sẽ ra sao có lẽ mới là vấn đề đáng bận tâm nhất của Nhà Trắng khi tiếp Thủ tướng Cameron. Vậy nên, có thể nói sự chia rẽ chính trị tại nước Anh khiến chuyến thăm Mỹ của ông Cameron khó đạt được những mục tiêu lớn như mong muốn. Trong không ấm thì ngoài khó êm, là vậy.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)