19/01/2020 - 08:46

Trở lại bàn cờ Libya 

Hội nghị hòa bình quốc tế về Libya do Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Đức đồng tổ chức tại Thủ đô Berlin ngày 19-1 là cơ hội quý giá để các bên tham chiến và thế lực hậu thuẫn tìm được tiếng nói chung mang lại hòa bình và ổn định cho quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ. Ngoài lãnh đạo cấp cao LHQ và nước chủ nhà, hội nghị có sự hiện diện đáng chú ý của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Đại diện cấp cao Mỹ tham dự hội nghị là Ngoại trưởng Michael Pompeo.

Thủ tướng al-Sarraj (trái) và Tướng Haftar. Ảnh: Tư liệu

Việc Đức đăng cai tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế cho Libya được xem là nỗ lực chung của Liên minh châu Âu (EU) tham gia kiến tạo hòa bình tại đất nước mà phương Tây đã bỏ rơi sau khi can thiệp quân sự lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011. Sự bất ổn thời hậu chiến đã khiến Libya trở thành mảnh đất màu mỡ cho khủng bố và là cứ điểm trung chuyển cho làn sóng người nhập cư từ châu Phi đến châu Âu. Phần lớn số vũ khí từ thời Gaddafi được chuyển giao cho các thành phần bất hảo ở khu vực Hạ Sahara. Sự bất ổn đó cũng đã chia cắt Libya, khi  lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar kiểm soát khu vực miền Đông và Trung Libya nổi dậy chống lại chính quyền Tripoli do Thủ tướng Fayez Mustafa al-Sarraj lãnh đạo dưới sự bảo trợ của LHQ.

Trong bối cảnh hỗn loạn đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc với hai chiến tuyến đối chọi nhau. Mát-xcơ-va đứng về phía Tướng Haftar trong khi Ankara chống lưng cho al-Sarraj. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã đưa quân sang hỗ trợ cho chính quyền Tripoli. Nga có lợi ích cơ sở hạ tầng dầu khí tại Libya. Thổ Nhĩ Kỳ và Libya có thỏa thuận hợp tác hàng hải giúp phân định lãnh hải và thăm dò dầu khí ở phía Đông  Địa Trung Hải. Sự can dự trực tiếp của Nga và nhất là Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya đã làm nhiều nước EU bất bình, đặc biệt về thỏa thuận hợp tác hàng hải.

Cho nên, việc EU chủ động tham gia vào tiến trình hòa bình tại Libya là thể theo nguyện vọng của nhiều nước thành viên. Tân Cao ủy phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell Fontelles, là một trong những quan chức tích cực và sốt sắng nhất vận động EU can thiệp vào Libya nhằm thể hiện vai trò và ảnh hưởng của mình tại đất nước có vị thế địa chính trị quan trọng.

Tuy nhiên, EU đã bị chia rẽ về vấn đề Libya bởi Pháp ủng hộ Tướng Haftar trong khi Ý đứng về phía al-Sarraj. Kristina Kausch, thành viên cấp cao của Quỹ Marshall Đức, cũng nhận định “dù bây giờ EU lo lắng về Libya nhưng đã quá trễ”. Trước hội nghị hòa bình tại Berlin, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã mời Tướng Haftar và ông al-Sarraj đến Mát-xcơ-va dàn xếp về thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Điều này báo hiệu thế đứng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya trong tương lai ra sao. EU có thể chứng kiến thỏa thuận hòa bình (nếu được ký kết) cho Libya, nhưng sự bất đồng nội bộ lại tiếp diễn. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, vốn cảm thấy khó chịu vì không được mời tham dự hội nghị, đã cảnh báo sẽ ngăn cản bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cho Libya nếu Athens không được đáp ứng điều kiện tiên quyết là Ankara và Tripoli phải hủy bỏ thỏa thuận hợp tác hàng hải “bất hợp pháp và không thể chấp nhận”. Trở lại bàn cờ Libya không dễ cho EU!

Tập đoàn dầu khí quốc gia NOC của Libya cho biết kể từ ngày 18-1, các cảng xuất khẩu dầu thô ở miền Đông và miền Trung đã phải đóng cửa theo yêu cầu của LNA, qua đó làm giảm nguồn cung 700.000 thùng dầu thô/ngày. Trước khi có lệnh đóng cửa này, Libya sản xuất khoảng 1,3 triệu thùng dầu thô/ngày.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết