08/01/2012 - 09:29

"Trò chơi chiến tranh" của Iran và Israel

Căng thẳng về tuyến vận tải dầu quan trọng nhất thế giới ở vùng Vịnh - eo biển Hormuz - tiếp tục leo thang, sau khi lực lượng Vệ binh Cách mạnh Iran (IRGC) thông báo sẽ tiến hành thêm một cuộc tập trận hải quân và có tin nói Israel - Mỹ sắp thao diễn quân sự chung quy mô lớn ở khu vực. Sự gia tăng các hoạt động quân sự ở vùng Vịnh diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) dọa cấm vận dầu của Iran và Tehran đáp trả bằng tuyên bố có thể đóng cửa eo biển Hormuz.

 Hải quân Iran tập trận trong những ngày đầu năm mới. Ảnh: Guardian

Vừa kết thúc cuộc tập trận 10 ngày ở vùng Vịnh hôm 2-1, trong đó đã tiến hành bắn thử hàng loạt tên lửa mới, Chuẩn Đô đốc Ali Fadavi, chỉ huy hải quân của IRGC, lại thông báo cuộc tập trận vào tháng 2 tới, với quy mô mà ông tuyên bố “sẽ khác hơn các cuộc tập trận mới đây”. Cùng ngày, quân đội Israel loan tin họ đang chuẩn bị tập trận chung với Mỹ để diễn tập khả năng phòng thủ tên lửa và phối hợp giữa hai lực lượng. Cuộc tập trận này sẽ huy động hàng ngàn binh sĩ. Hãng tin Mỹ AP hôm qua dẫn lời một quan chức Israel giấu tên cho biết họ sẽ thử nhiều hệ thống phòng không chống các loại tên lửa và rốc-két. Israel từng hợp tác với Mỹ phát triển hệ thống chống tên lửa Arrow, vốn được thiết kế để đánh chặn tên lửa Iran trên không trung.

Các hoạt động phô diễn sức mạnh quân sự ở khu vực diễn ra vào thời điểm cực kỳ căng thẳng. Cuối tháng này, các ngoại trưởng EU dự kiến sẽ họp nhất trí việc áp lệnh cấm vận đối với dầu nhập khẩu của Iran, sau báo cáo hồi tháng 11-2011 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định Iran đã thiết kế một quả bom nguyên tử. Theo hãng tin Anh Reuters ngày 6-1, các cường quốc phương Tây cũng vừa nhất trí kế hoạch tăng sản lượng dầu từ các kho dự trữ khẩn cấp để thay thế gần như tất cả lượng dầu từ vùng Vịnh, nếu Iran phong tỏa eo biển Hormuz. Cụ thể, các nhà điều hành chủ chốt của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã thảo luận kế hoạch rút tới 14 triệu thùng dầu/ngày từ nguồn dự trữ quốc gia ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các nước nhập khẩu dầu khác. Sản lượng này gấp 5 lần so với mức mở kho lớn nhất trong lịch sử IEA vào thời điểm chiến tranh Iraq - Koweit năm 1990.

Anh điều tàu chiến tới vùng Vịnh

Tờ “Điện tín” ngày 6-1 đưa tin Anh sẽ triển khai tàu chiến lớn nhất của mình tới vùng Vịnh. Đó là tàu khu trục Type 45 mang tên HMS Daring có khả năng bắn hạ bất cứ tên lửa nào phóng đi từ Iran. Tàu khu trục trị giá 1 tỉ bảng này được trang bị hệ thống radar hải quân hiện đại nhất thế giới, có khả năng theo dõi cùng một lúc các mối đe dọa từ tên lửa và máy bay phản lực. Dự kiến tàu HMS Daring sẽ rời cảng Portsmouth vào ngày 11-1 tới.

Nếu tuyến vận chuyển dầu ở vùng Vịnh bị cắt đứt, Arabie Séoudite - nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - cũng có thể vận chuyển dầu thô thông qua hệ thống đường ống dẫn Đông - Tây tới cảng Yanbu trên bờ biển Đỏ. Mạng lưới này có công suất khoảng 4,5 triệu thùng/ngày. Nước láng giềng Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất cũng có thể linh hoạt xuất khẩu, khi đường ống dẫn Abu Dhabi với công suất 1,5 triệu thùng/ngày sắp hoàn thành, sẽ chuyển dầu tới Ấn Độ Dương.

Trong khi đó, có tin rằng Israel có thể tấn công chương trình hạt nhân của Iran. Tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ cũng đã được triển khai tới khu vực ngoài khơi vùng Vịnh. Một chỉ huy hải quân Iran đã cảnh báo Washington không nên đưa tàu USS John C. Stennis trở lại khu vực. Tuy nhiên, hải quân Mỹ tuyên bố họ sẽ tiếp tục tuần tra ở vùng Vịnh như thường lệ.

Các nhà quan sát cho rằng tất cả các bên đang phô trương sức mạnh để ngăn cản đối phương có hành động gây hấn, nhưng những động thái leo thang của họ sẽ gia tăng cơ hội xung đột ngoài dự đoán. Tuy nhiên, theo nhận định của báo Anh Guardian, Iran sẽ không tấn công tàu thông qua eo biển Hormuz vì “đây là có thể là cái cớ để Mỹ gia tăng hành động và tấn công các điểm hạt nhân của Iran”.

N. MINH (Theo Reuters, Guardian, AP)

Chia sẻ bài viết