Với 92 phiếu thuận và chỉ 4 phiếu chống, Thượng viện Mỹ sáng 7-12 đã thông qua dự luật bình thường hóa quan hệ thương mại với Nga, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu và đầu tư Mỹ tăng cường thâm nhập thị trường tiềm năng rộng lớn của Nga. Tuy nhiên, các ông nghị Mỹ đồng thời còn kèm theo một đạo luật nhân quyền gây phản ứng hết sức quyết liệt từ phía Bộ Ngoại giao và Quốc hội Nga.
Trước hết, luật thương mại trên coi như đã khai tử Tu chánh án Jackson-Vanik lỗi thời vốn kéo dài suốt 38 năm qua chống lại Liên bang Xô-viết trong Chiến tranh lạnh. Chính quyền và giới kinh tế Mỹ đánh giá xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này sang Nga sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới, so với 11 tỉ USD/năm hiện nay. Liên minh thương mại Mỹ-Nga đã phân trần rằng xuất khẩu của Mỹ chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu 400 tỉ USD/năm của Nga, trong khi tỷ lệ này đối với châu Âu và Trung Quốc lần lượt là 40% và 16%. Liên minh này nhận định trong hơn 20 năm tới, nước Nga cần khoảng 900 máy bay chở khách trị giá 100 tỉ USD, nhập khẩu 50% trong tổng số 150 tỉ USD các sản phẩm hóa chất, cùng với nhu cầu công nghệ thông tin, nông phẩm, công nghệ năng lượng và thiết bị y tế tăng nhanh. Nước Nga đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gồm 158 thành viên, điều này có nghĩa Mỹ và tất cả các nước thành viên khác được quyền chạy đua tiếp cận thị trường hơn 140 triệu người tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới với nguồn năng lượng dồi dào và tầng lớp trung lưu lớn.
Thế nhưng, các nhà lập pháp Mỹ đã chọc giận giới lãnh đạo Nga bằng cái gọi là "Luật Magnitsky" từng được Quốc hội Anh kiến nghị áp dụng. Luật này liệt kê một "danh sách đen" gồm 60 quan chức cảnh sát và chính phủ Nga bị nghi ngờ liên quan đến cái chết của luật sư Sergei Magnistky năm 2009 sẽ bị cấm nhập cảnh và sử dụng hệ thống ngân hàng tại Mỹ. Ông Magnistky là công dân Nga, làm việc cho một công ty luật Nga-Mỹ và từng phanh phui các quan chức chính phủ và cảnh sát Nga dính líu đến đường dây gian lận thuế trị giá 230 triệu USD. Sau gần một năm bị giam giữ, ông này chết mà dư luận phương Tây nghi là do bị tra tấn trong nhà tù khi chỉ còn một tuần nữa là đến ngày xét xử. Thượng nghị sĩ John McCain, "nhà tài trợ chính" của dự luật nhân quyền tuyên bố "đây là một thông điệp gởi cho Tổng thống Vladimir Putin và giới tài phiệt Nga biết rằng những hình thức ngược đãi quyền con người như vậy là không thể được dung thứ".
Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng dự luật nhân quyền của Thượng viện Mỹ là bằng chứng nói lên bản chất "thèm khát hận thù" muốn làm tổn hại vị thế của nước Nga trên trường quốc tế. "Dường như, Washington đã quên hiện nay là năm nào nên vẫn nghĩ Chiến tranh lạnh chưa kết thúc"- Bộ Ngoại giao Nga đăng đàn, đồng thời mỉa mai: "Thật là ngớ ngẩn khi nghe những phàn nàn về nhân quyền từ Mỹ, nơi mà sự tra tấn và bắt cóc vẫn còn hợp pháp trong thế kỷ 21". Alexei Pushkov, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga thì tuyên bố Duma Quốc gia Nga có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự chống lại các quan chức Mỹ bị cáo buộc vi phạm quyền của công dân Nga ở nước ngoài. Nghị sĩ Pushkov cho biết thêm luật của Nga có thể nhằm vào các quan chức Mỹ xâm phạm nhân quyền ở Iraq, Afghanistan, Libye và một số nước khác.
Xem ra, cái kiểu trở quẻ, đột ngột thay đổi thái độ như vậy của các ông nghị Mỹ còn khiến quan hệ Nga-Mỹ "nóng lạnh" dài dài.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)