05/03/2019 - 18:35

Tổng thống Pháp kêu gọi “phục hưng” châu Âu 

Nhằm đảm bảo tương lai Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (ảnh) vừa đưa ra loạt đề xuất cải cách trong bối cảnh thời hạn Anh rời liên minh đang cận kề và cuộc bầu cử nghị viện EU sắp sửa diễn ra vào tháng 5 tới.

Theo đánh giá của giới phân tích, cuộc bầu cử nghị viện EU sẽ có nhiều thay đổi khi phe cực hữu, dân túy trên khắp châu lục đang hợp tác chống Brussels. Đầu năm nay, đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trong tuyên bố tranh cử đã kêu gọi Berlin rời EU nếu khối này không cải tổ. Trong khi đó, các lãnh đạo dân túy của Ý và Ba Lan đã bắt tay thành lập trục Ý - Ba Lan đối trọng với trục Pháp – Đức quyền lực.

 Ảnh: Getty Images

Trong bức thư ngỏ đăng trên các báo ở tất cả 28 quốc gia thành viên, Tổng thống Macron xác định kể từ sau Thế chiến thứ hai, châu Âu chưa bao giờ “nguy hiểm” như thời điểm hiện tại khi các giá trị đang bị thách thức bởi căng thẳng nội bộ và chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump cũng như sự quyết đoán ngày càng tăng từ Nga, Trung Quốc. Trong bối cảnh này, lãnh đạo Pháp đưa ra một loạt đề xuất “Phục hưng châu Âu” tập trung 3 lĩnh vực chính: bảo vệ tự do và bầu cử dân chủ; bảo vệ lục địa bằng các chương trình phòng thủ chung và tăng cường an ninh biên giới kiểm soát dòng người di cư vốn là tiền đề cho sự tồn tại của các đảng chống nhập cư; cải cách chính sách và quy tắc EU trên mọi khía cạnh.

Để đảm bảo mục tiêu này, ông Macron kêu gọi EU thành lập một số cơ quan mới như bộ phận bảo vệ dân chủ châu Âu. Lấy chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 làm ví dụ, Tổng thống Macron cho biết cơ quan này sẽ bảo vệ tiến trình bầu cử ở mỗi nước thành viên khỏi nguy cơ tấn công mạng và thao túng từ các cường quốc nước ngoài. Ông còn đề nghị EU lập quy tắc chống mối đe dọa bạo lực, kích động thù hận trên Internet, mở rộng đầu tư quỹ sáng tạo đổi mới “sánh ngang Mỹ” để hỗ trợ các loại hình công nghệ như trí tuệ nhân tạo.

Về quân sự, Tổng thống Macron nói rằng liên minh nên soạn thảo hiệp ước mới về quốc phòng và an ninh liên quan Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và vấn đề tăng chi tiêu quân sự, hướng tới thành lập hội đồng an ninh nội bộ có sự tham gia của Anh. Một trong các đề xuất táo bạo còn bao gồm xem xét lại khu vực đi lại tự do Schengen, xây dựng lực lượng cảnh sát biên giới chung và văn phòng tị nạn châu Âu. Về an sinh, Tổng thống Pháp nói rằng EU phải có “lá chắn xã hội” bằng cách thiết lập mức lương tối thiểu đảm bảo công dân EU làm cùng công việc sẽ được trả lương như nhau. Đặc biệt, ý kiến của ông Macron cho rằng nên xây dựng ngân hàng hỗ trợ các dự án về môi trường, khí hậu và lực lượng đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong nỗ lực thuyết phục công dân EU không ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, ông Macron kêu gọi các tổ chức và quốc gia khu vực tham gia hội nghị về chương trình dành cho châu lục vào cuối năm. Mục tiêu là thảo luận và thực hiện các sáng kiến đổi mới ​​thông qua đối thoại với cử tri, doanh nghiệp, giới học giả bằng tư duy cởi mở thậm chí sửa đổi các hiệp ước hiện có.

Trong nội dung ám chỉ việc Anh rời EU hay còn gọi Brexit, ông Macron nói rằng EU cần một cuộc “đại phục hưng” nếu muốn ngăn chặn các quốc gia thành viên “rút vào chủ nghĩa dân tộc”. Song song đó, Tổng thống Pháp kêu gọi lệnh cấm các cường quốc nước ngoài tài trợ cho các đảng chính trị châu Âu, cấm các công ty đe dọa lợi ích chiến lược của khối thông qua chính sách “châu Âu trên hết” tương tự như Mỹ, Trung Quốc đã thực hiện.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, BBC)

Chia sẻ bài viết