17/07/2011 - 21:24

Tới lượt Syrie và Yemen thành lập Hội đồng dân tộc

Người Syrie biểu tình chống chính phủ
hôm 16-7. Ảnh Reuters

Lực lượng đối lập ở Syrie đã bầu ra Hội đồng cứu nguy dân tộc nhằm thể hiện thách thức chung đối với chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad giữa lúc ông này tăng cường chiến dịch trấn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ. Phe đối lập ở Yemen cũng có động thái tương tự.

Báo Bưu điện Washington cho biết các đối thủ chống chính quyền ông Assad đã buộc phải hủy kế hoạch tập hợp hôm 16-7 tại Thủ đô Damas nhằm liên kết lực lượng chống đối lưu vong với phong trào biểu tình diễn ra rầm rộ tại Syrie. Kế hoạch bị hủy sau khi lực lượng an ninh Syrie bắn chết 32 người biểu tình trong cuộc tuần hành trên quy mô toàn quốc một ngày trước đó. Hội nghị với mục đích tương tự của những người chống đối lưu vong được tổ chức tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ cũng vắng mặt các đại diện phong trào biểu tình trong nước. Do vậy cuộc họp đã không đạt được mục tiêu tuyên bố về một chiến lược thống nhất nhằm lật đổ Tổng thống Assad. Thay vào đó, họ chỉ bầu chọn được Hội đồng cứu nguy dân tộc với 25 thành viên, và hội đồng này đã bổ nhiệm một ủy ban gồm 11 thành viên vào hôm qua.

Việc lực lượng chống đối ở Syrie thành lập Hội đồng cứu nguy dân tộc diễn ra cùng thời điểm Nhóm tiếp xúc về Libye họp tại Istanbul và tuyên bố chính thức công nhận Hội đồng dân tộc chuyển tiếp của lực lượng đối lập ở Libye. Tuy có mặt tại đây nhưng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã không tìm cách tiếp xúc với lực lượng chống đối Syrie như kỳ vọng của những người này. Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, bà Clinton nói: “Chúng ta sẽ theo dõi nhân dân Syrie làm gì để tự quyết định tương lai của họ. Không có điều gì mà Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác đang thực hiện thay cho họ”. Nói về cuộc họp của các nhân vật chống đối Syrie ở Istanbul, Ngoại trưởng Clinton cho rằng bà chưa biết kết quả của động thái trên sẽ như thế nào. Giới chức Mỹ cũng đã cho thấy rằng họ không sẵn sàng can dự với phe chống đối Syrie cho đến khi lực lượng này thể hiện “bức tranh” rõ ràng hơn về họ, cụ thể phải giải đáp được câu hỏi họ là ai và họ muốn gì.

Trong khi đó, những người biểu tình chống chính phủ tại Yemen ngày 16-7 đã thông báo thành lập một “hội đồng cầm quyền lâm thời” để dẫn dắt các nỗ lực nhằm buộc Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức và để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mà họ gọi là “hậu Saleh”. Hội đồng này gồm 17 thành viên, trong đó có cựu Tổng thống Ali Nasser Mohammed, cựu Thủ tướng Abu Bakr Haidar al-Attas, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdullah Ali Aleiwa cùng thủ lĩnh một số nhóm đối lập. Hội đồng đã bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt, trong đó ông Aleiwa được bổ nhiệm làm Tư lệnh lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, hội đồng này không bao gồm tất cả các chính đảng đối lập ở Yemen.

Ngay sau tuyên bố trên của phe đối lập, người phát ngôn Chính phủ Yemen, Thứ trưởng Thông tin Abdu al-Janadi cho rằng hành động trên sẽ làm gia tăng khủng hoảng chính trị tại đất nước này. Ông al-Janadi nhấn mạnh ông Saleh là tổng thống hợp pháp của Yemen và sẽ về nước để đảm nhiệm chức vụ của mình trong vài ngày tới (hiện ông đang dưỡng thương tại Arabie Séoudite). Hội đồng này không thể thay thế cho chính phủ hiện tại. Trước đó, ông al-Janadi từng tuyên bố đề xuất thành lập một hội đồng như vậy là “hành động đảo chính và công khai phát động nội chiến”.

N. KIỆT
(Theo Washingtonpost, TTXVN)

Người Syrie biểu tình chống chính phủ hôm 16-7. Ảnh Reuters

Chia sẻ bài viết