27/08/2011 - 09:34

Tính toán lợi ích

Ngày 25-8, trong buổi tiếp ông Mahmoud Jibril, thủ lĩnh số hai của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libye (NTC) đang có chuyến thăm Roma, Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi hứa sẽ cung cấp nhiên liệu và giải ngân hơn 500 triệu USD bị đóng băng cho chính quyền mới ở Libye. Theo báo Pháp La Libération, Ý muốn nhanh chóng thúc đẩy quan hệ với ban lãnh đạo lâm thời ở Libye để không trở thành kẻ chậm chân trong cuộc tranh giành lợi ích với những nước khác ở Libye thời hậu Gadhafi.

Thời ông Gadhafi, Ý vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Libye với kim ngạch song phương 11 tỉ euro năm 2010 và có hơn 180 công ty đầu tư tại đây. Trong chiến dịch quân sự vừa qua, Ý chỉ đóng “vai trò hạn chế” chống chế độ Gadhafi nên Roma lo ngại không được NTC “ưu ái”. Trước mắt, với sự giúp đỡ trên, Ngoại trưởng Franco Frattini yêu cầu “chính phủ mới ở Libye tôn trọng tất cả các hợp đồng từ chính quyền cũ với Ý”.

Chính quyền Đức cũng đã cam kết cung cấp khoản tín dụng 100 triệu euro cho Libye và đang xem xét giải phóng 7,3 tỉ euro tài sản của chính quyền Gadhafi bị phong tỏa ở Đức cho chính quyền mới. Berlin quan ngại khoảng 100 doanh nghiệp Đức từng đầu tư tại Libye sẽ bị mất cơ hội làm ăn vì chính phủ Đức đã từng bỏ phiếu trắng phản đối nghị quyết áp đặt “vùng cấm bay” của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chống Libye. Theo nhật báo Spiegel nổi tiếng của Đức, các doanh nghiệp nước này còn nhìn thấy nhiều cơ hội kinh doanh béo bở mới thời kỳ tái thiết Libye hậu Gadhafi. Một chuyên gia tài chính của Đức cho biết Libye rất cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bởi nước này dù khá hơn Syrie hay Ai Cập nhưng thua xa so với các nước A-rập khác.

Theo các nhà phân tích, tuy vấn đề an ninh của Libye vẫn chưa chắc chắn và nước này còn bộn bề thiếu thốn tiền tài vật chất, song khối tài sản của chính quyền Gadhafi bị phong tỏa ở bên ngoài ước tính khoảng 150-160 tỉ USD sẽ đủ sức trang trải cho thời kỳ tái thiết đầy tốn kém sau cuộc chiến. Trước đó, nhiều công ty dầu khí phương Tây cũng rục rịch dọn đường trở lại Libye, bắt đầu cuộc tranh phần quanh “kho vàng đen” khổng lồ của quốc gia Bắc Phi này.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết