Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thông báo nước này vừa cử 2 quan chức cấp cao đến Syrie để tiến hành các cuộc “thảo luận sơ bộ” nhằm mục tiêu cải thiện quan hệ ngoại giao bị đóng băng từ 4 năm nay giữa hai nước. Theo các nguồn tin, sứ mạng trên do quyền Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Cận Đông Jeffrey Feltman và Daniel Shapiro, thành viên Hội đồng cố vấn an ninh quốc gia, thực hiện.
Gần đây, một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện trong quan hệ giữa Mỹ và Syrie. Hồi tuần rồi, ông Feltman đã có cuộc gặp kéo dài 2 giờ đồng hồ với Đại sứ Syrie tại Mỹ Imad Moustapha. Và mới đây, nhân hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Dải Gaza được tổ chức ở Ai Cập, Ngoại trưởng Clinton đã đến bắt tay và có cuộc trao đổi ngắn với người đồng cấp Syrie Walid Muallem. Các nguồn tin ngoại giao cho biết Tổng thống Syrie Bashar al-Assad dự kiến sẽ đề nghị Mỹ cử đại sứ của mình trở lại Damas càng sớm càng tốt nhằm thảo luận các vấn đề an ninh biên giới giữa Syrie và Iraq, xóa bỏ lệnh cấm vận kinh tế và kế hoạch xây dựng thỏa thuận hòa bình giữa Syrie và Israel.
Dư luận cho rằng việc Mỹ gởi phái đoàn ngoại giao tới Damas là phù hợp với cam kết của Tổng thống Barack Obama trong chiến dịch tranh cử (sẵn sàng cải thiện quan hệ với các quốc gia không thân thiện). Điều này thể hiện sự thay đổi tư duy của Nhà Trắng trong cách giải quyết tổng thể các vấn đề Trung Đông. Theo các nhà phân tích, Mỹ muốn chính quyền Syrie tích cực hợp tác nhằm đảm bảo an ninh tại Iraq, ngưng hậu thuẫn các phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah tại Liban và Hamas ở Palestine, đồng thời không ủng hộ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Dưới trào Tổng thống George Bush, Washington từng đưa ra những yêu sách tiên quyết như trên đối với Damas, và do không được đáp ứng, Nhà Trắng đã thúc giục Israel mở rộng chiến dịch quân sự chống Hezbollah sang Syrie năm 2006, ủng hộ Tel Aviv đánh bom vào cái gọi là “lò phản ứng hạt nhân bí mật” tại Syrie năm 2007, và phản đối kế hoạch đàm phán hòa bình giữa Syrie và Israel do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
Mục tiêu chiến lược của Mỹ đối với Syrie chắc hẳn không có gì thay đổi. Tuy nhiên, cái khác là chính quyền của ông Obama muốn đạt được ý đồ của mình ở Trung Đông thông qua con đường bình thường hóa quan hệ với Syrie. Trong khi đó, Damas cũng muốn cải thiện quan hệ với Washington, trước hết là nhằm góp phần khắc chế cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, sau đó là vấn đề chủ quyền Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng trái phép từ năm 1967.
Có thể nói cả hai bên đều có nhu cầu cải thiện quan hệ, dù mục tiêu của mỗi bên hoàn toàn khác nhau. Vấn đề là liệu thiện chí và quyết tâm của Mỹ lẫn Syrie có đủ mạnh để vượt qua những nghi kỵ tồn tại suốt mấy thập kỷ qua?
KIẾN HÒA (Theo IPS)