28/03/2019 - 20:14

PCI 2018:

Tín hiệu lạc quan nhưng vẫn băn khoăn 

Nguồn: VCCI, USAID

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018 (PCI 2018) có nhiều điểm sáng, nhưng cũng không ít khó khăn phía trước. Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là nơi có chất lượng điều hành kinh tế vượt trội nhất so với các khu vực còn lại trên cả nước.

Nguồn: VCCI, USAID

Nhiều điểm sáng

Sáng 28-3, tại Hà Nội, VCCI và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức công bố kết quả PCI 2018. Những điểm sáng của PCI 2018 ghi nhận là: Môi trường kinh doanh cải thiện hơn; Chính quyền cấp tỉnh năng động, sáng tạo hơn; chi phí không chính thức giảm- hiện tượng “tham nhũng vặt” giảm so với trước; “tham nhũng lớn” có dấu hiệu giảm bớt… Đó là cảm nhận môi trường kinh doanh của các địa phương qua thông tin phản hồi của gần 10.681 doanh nghiệp (DN) dân doanh hoạt động trên cả nước và điều tra thường niên 1.500 DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 20 tỉnh, thành cả nước (tỷ lệ phản hồi là 32%).

Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu với 70,36 điểm và đây là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh này giành vị trí quán quân trên bảng xếp hạng PCI. Đứng thứ hai Đồng Tháp, năm nay tiếp tục phá vỡ kỷ lục của chính mình, khi đạt 70,19 điểm và xác lập năm thứ 11 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước. Lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là Long An và Bến Tre. Trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2018, khu vực ĐBSCL ngoài Đồng Tháp, Long An và Bến Tre, còn có thêm 1 đại diện là Vĩnh Long (hạng 8). TP Cần Thơ năm nay tuột một bậc, từ vị trí thứ 10 xuống vị trí 11.

Báo cáo PCI 2018 cho thấy, thay đổi về chất lượng điều hành giữa năm 2017 và 2018: Những lĩnh vực có cải thiện mạnh mẽ nhất là cắt giảm chi phí không chính thức cho DN (tăng 0,73 điểm), tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân với các khu vực kinh tế khác (tăng 0,54 điểm) và cải cách hành chính (tăng 0,46 điểm). Tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, an ninh trật tự (đều tăng 0,27 điểm) và tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh (tăng 0,11 điểm). Tuy nhiên, Tính minh bạch (giảm 0,09 điểm), Đào tạo lao động (giảm 0,11 điểm), Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 0,17 điểm) và Gia nhập thị trường (giảm 0,41 điểm) chưa có sự cải thiện, thậm chí giảm sút so với năm trước.

Cụ thể, Chi phí không chính thức giảm so với thời kỳ trước: Chỉ 54,8% DN phải trả chi phí không chính thức, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây; có 7,1% DN cho biết phải chi trả trên 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức. Đồng thời ghi nhận “tham nhũng lớn” có dấu hiệu giảm bớt: 39,3% DN cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra (năm 2017 là 51,9%). Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn: 32,4% DN đồng ý với nhận định “Việc tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho DN” (năm 2017 là 41,2%); chỉ 37% DN cho biết “tỉnh ưu tiên thu hút FDI hơn là phát triển khu vực kinh tế tư nhân” (năm 2017 là 45,7%)…

PCI 2018 cũng ghi nhận Chính quyền cấp tỉnh năng động, sáng tạo hơn: 76,3% DN đồng ý với nhận định “UBND tỉnh/thành phố linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DNTN”- mức cao nhất trong vòng 5 năm qua; 60,9% DN nhận thấy “UBND tỉnh/thành phố rất năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh”- con số cao nhất kể từ năm 2009. Có 68,5% DN cho biết các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc DN tại tỉnh (năm 2017 là 67%).

Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến: Đánh giá về tính hiệu quả của cán bộ chính quyền, 74,7% DN nhận thấy “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” (tăng so với mức 67,4% năm 2015) và 74,1% đánh giá “thủ tục giấy tờ đơn giản” (năm 2015 là 51,2%). Tỷ lệ DN cho biết “thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn so với quy định” với 68,9% DN đồng ý (năm 2017 là 67%). Năm 2017 có 7,2% DN bị thanh kiểm tra từ 5 cuộc trở lên, thì năm 2018 giảm xuống còn 6,42%...

Ấn tượng ÐBSCL

Theo kết quả phân tích PCI 2018 của VCCI và USAID thì ĐBSCL là khu vực có chất lượng điều hành kinh tế vượt trội so với các khu vực cả nước. ĐBSCL đứng đầu ở 5 chỉ số thành phần, gồm: Tiếp cận đất đai (7,11 điểm), Chi phí thời gian (7,65 điểm), Chi phí không chính thức (6,89 điểm), Cạnh tranh bình đẳng (6,62 điểm) và Tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh (6,13 điểm).

Năm 2018, có tới 92% DN tham gia Điều tra PCI tại Đồng Tháp đánh giá cán bộ có thái độ thân thiện trong quá trình giải quyết công việc, 90% nhận thấy cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả - hai chỉ tiêu này của Đồng Tháp cao nhất cả nước. Các DN dân doanh Đồng Tháp cho biết đang được hoạt động trong môi trường kinh doanh bình đẳng nhất so với các tỉnh, thành phố khác (đo lường bởi chỉ số thành phần Cạnh tranh bình đẳng trong PCI 2018). Long An cải thiện đáng kể trong việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và tạo thuận lợi về tiếp cận đất đai và sử dụng đất ổn định cho các DN dân doanh. Bến Tre được các DN đánh giá tích cực về nỗ lực cải cách hành chính và tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các DN hoạt động. Vĩnh Long được các DN đánh giá cao nhất cả nước về những nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức…

Mặc dù ấn tượng, nhưng khu vực ĐBSCL vẫn còn hai địa phương trong tốp cuối cả nước về điểm số của 10 chỉ số thành phần là Kiên Giang (6,41 điểm chỉ số Gia nhập thị trường) và Trà Vinh (4,70 điểm chỉ số Đào tạo lao động). Trong 13 tỉnh, thành ĐBSCL có 1 tỉnh nằm trong tốp Rất tốt, 3 tỉnh trong tốp Tốt, 5 địa phương tốp Khá, còn lại 4 địa phương Trung bình. Và chỉ có 7 địa phương tăng hạng, gồm: Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang; các địa phương còn lại sụt hạng. Nhưng những nỗ lực thời gian qua của ĐBSCL đã được các DN ghi nhận và đánh giá cao.

Những cảnh báo từ PCI 2018

Theo kết quả PCI 2018, mức độ lạc quan vẫn tương đối cao, có 49,3% DN tham gia điều tra cho biết sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Tỷ lệ DN tiếp tục kinh doanh với quy mô hiện tại là 42,4%. Tuy nhiên, con số 8,3% DN dân doanh dự kiến giảm quy mô hoặc đóng cửa là điểm đáng lưu ý, dù giảm nhẹ so với năm 2017 (ở mức 8,2%). Còn DN FDI tỏ ra khá lạc quan, 56% DN cho biết có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam; tỷ lệ DN tăng vốn đầu tư là 11,8%;…

PCI 2018 nêu những gánh nặng “hậu đăng ký DN”. Cụ thể, có 15,8% DN cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác (ngoài giấy chứng nhận đăng ký DN) để có thể chính thức đi vào hoạt động. Có tới 34% DN cho biết gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% DN phải mất thời gian chờ đợi để nhận được giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy. Trong quá trình hoạt động, 29% DN gặp khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc các loại giấy chứng nhận khác. Minh bạch thông tin chưa có nhiều cải thiện: Vẫn có tới 69,4% DN cho biết “cần có mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh (năm 2017 là 70%).

Ngoài ra, khó khăn lớn nhất mà các DN dân doanh đang gặp phải là tìm kiếm khách hàng (60%), nguồn vốn (37%) và những biến động của thị trường (32%); trong tuyển dụng lao động (28%), biến động chính sách, pháp luật (23%). Các DN mới thành lập trong 5 năm trở lại đây là nhóm có tỷ lệ gặp khó khăn cao hơn các nhóm còn lại… Thực tế này đòi hỏi các cơ quan nhà nước cần nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, có chính sách hiệu quả và kịp thời để khu vực DN tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.

Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; 9) Chính sách đào tạo lao động tốt; 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
PCI 2018ÐBSCL