05/05/2008 - 08:55

Tiếp nối "kỷ nguyên Putin"?

Tổng thống Putin (phải) và người kế nhiệm Medvedev. Ảnh: AP

Ngày 7-5 tới, Tổng thống đắc cử Dmitry Medvedev sẽ tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành vị tổng thống trẻ nhất của Nga trong gần một thế kỷ qua. Ông cho biết việc làm đầu tiên trong vai trò chủ nhân Điện Kremlin là đề cử Tổng thống mãn nhiệm Vladimir Putin vào ghế thủ tướng, dự kiến sẽ được quốc hội phê chuẩn một ngày sau đó. “Bộ đôi” Medvedev- Putin được kỳ vọng sẽ giúp nước Nga duy trì và phát huy những thành quả đạt được trong 8 năm lãnh đạo của ông Putin.

Ông Medvedev, nguyên là Phó Thủ tướng thứ nhất, cam kết sẽ “thực hiện và phát triển” các chính sách của Tổng thống Putin. Các chính sách đó từng giúp tổng sản phẩm quốc nội của Nga tăng 6 lần trong 8 năm, mức lương trung bình của người lao động tăng 8 lần (từ 80 USD/tháng lên 640 USD/tháng), giá trị thị trường chứng khoán tăng 20 lần, tỷ lệ người nghèo và thất nghiệp giảm 50%, dự trữ ngoại hối vươn lên đứng hàng thứ ba thế giới với hơn 400 tỉ USD... Về đối ngoại, Nga từng bước lấy lại vị thế của mình trên trường quốc tế và trở thành “đối thủ đáng gờm” của bất cứ thế lực nào mưu toan muốn làm bá chủ toàn cầu, kể cả Mỹ.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều thách thức đang chờ đón tân tổng thống Nga, chẳng hạn như làm thế nào để bảo đảm tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Thời gian qua, kinh tế Nga phát triển mạnh nhưng chủ yếu nhờ vào việc xuất khẩu dầu khí, kim loại và gỗ. Những nguồn tài nguyên này rồi sẽ đến lúc cạn kiệt và Mát-xcơ-va cần phải nhanh chóng đa dạng hóa nền kinh tế. Một vấn đề nữa là tình trạng phân hóa giàu nghèo. Theo tạp chí Forbes, Nga hiện có 87 tỉ phú với tổng tài sản 471 tỉ USD, chiếm 30% GDP của nước này, trong khi đó, tổng tài sản của 469 tỉ phú Mỹ chỉ tương đương 10% GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chống quan liêu, tham nhũng cũng là thách thức lớn đối với ông Medvedev.

Nhìn từ góc độ nào đó, “cái bóng” quá lớn của người tiền nhiệm là một thử thách mà tân Tổng thống Medvedev cần phải vượt qua. Có dư luận đồn đoán rằng với uy tín vượt trội cùng sự hậu thuẫn của quốc hội do đảng Nước Nga thống nhất (mà Tổng thống Putin vừa chấp nhận lời mời làm chủ tịch) kiểm soát, ông Putin có thể sẽ thâu tóm quyền lực về mình sau khi trở thành thủ tướng. Dĩ nhiên, ông Putin bác bỏ khả năng này. Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Tài chính của Anh hồi tháng 3, ông Medvedev khẳng định: “Tổng thống (sắp tới) là người đề ra các đường hướng chính trong chính sách đối nội và đối ngoại. Ông ấy là tổng tư lệnh, là người đưa ra các quyết định chủ chốt trong việc thành lập bộ máy hành pháp”. Cựu giáo sư luật 42 tuổi này cũng tự khẳng định mình khi tuyên bố sẽ giảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế. Dưới thời ông Putin, vai trò của doanh nghiệp nhà nước được mở rộng mà điển hình là vụ hãng dầu khí khổng lồ Yukos của tỉ phú Mikhail Khordokovsky về tay tập đoàn quốc doanh Rosneft.

LÊ DÂN (Theo AP, Daily Star)

Chia sẻ bài viết