01/10/2010 - 08:54

Thực trạng "chảy máu chất xám" tại lục địa đen

Nhà khoa học châu Phi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: Africaphotos

Tình trạng “chảy máu chất xám” đã làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa các nước. Đặc biệt, chuyện “chảy máu chất xám” luôn là nỗi ám ảnh của lục địa nghèo châu Phi trong nhiều thập kỷ qua.

Theo các số liệu thống kê, có tới 48,3% những người được hưởng nền giáo dục cấp cao tại châu Phi đã di cư sang châu Âu sinh sống, 31,8% qua Mỹ, 12,4% đến Canada và 6,8% đến Úc. Nhiều quốc gia châu Phi có số sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi ra đi nước ngoài chiếm tỷ lệ cao như Cap-Vert chiếm 67%, Gambia 63%, Sierra Leone 53%... Tính chung mỗi năm có khoảng 20.000 người có trình độ cao của châu Phi bỏ ra nước ngoài.

Hiện tượng “chảy máu chất xám” tại châu Phi không phải là một vấn đề mới. Nó có từ sau khi lục địa đen thoát khỏi ách đô hộ của đế quốc phương Tây những năm 1960. Tuy nhiên, vấn nạn này đã bắt đầu trở nên nghiêm trọng trong 10 năm trở lại đây, bởi chính sách thu hút nhân tài rất hấp dẫn của các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Canada và một số quốc gia châu Âu. Ngay cả giai đoạn 1990-2000, số dân di cư có trình độ giáo dục cao của Tây Phi đã tăng 123%, so với 53% những người lao động tay chân. Những tài năng di cư của châu Phi phần lớn trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, luật, quản trị doanh nghiệp, hành chính...

Một điều đáng nói nữa là những người châu Phi có trình độ giáo dục cao khi đến cư trú ở các nước phương Tây hầu hết không thể tìm được việc làm ngay tức khắc, mà đa số họ phải bỏ tiền ra để tiếp tục học và lấy bằng cấp tương đương ở nước sở tại. Bằng cấp tại châu Phi đương nhiên không được các nước phát triển công nhận. Thế nên, chỉ có 1/5 số người di cư này có thể xin việc đúng ngành nghề tại châu Âu, hơn 2/3 phải học lại ở Mỹ. Những người không có cơ hội học tập thì phải chọn các nghề tạm bợ có đồng lương ít ỏi. Rất nhiều trường hợp không xin nhập tịch được, phải sống cảnh chui nhủi bất hợp pháp.

Trong khi đó, vì thiếu nhân tài trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ thông tin, một số quốc gia châu Phi đã phải bỏ ra khoảng 150.000 USD chỉ để đào tạo cho một trí thức, trong khi với số tiền này đã đủ nuôi 500 người dân ăn uống trong một năm. Cứ như thế, các chính phủ phải “oằn mình” gánh chịu hàng tỉ USD - bằng 1/3 số tiền viện trợ từ các nước, để thuê các chuyên gia nước ngoài về làm việc. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, nếu không giải quyết được vấn nạn “chảy máu chất xám” thì châu Phi sẽ không bao giờ có thể dựa vào bản thân mình để thoát nghèo.

PHÚC GIA AN
(Theo Le Monde, Afriqueexpansion)

Liên hiệp các trường đại học châu Âu (EUA, gồm 850 đại học của 46 quốc gia châu Âu) ngày 28-9 đã đưa ra “Sách trắng” cam kết tăng cường hợp tác với lục địa đen nhằm hạn chế tình trạng nguồn nhân lực chất lượng cao bị suy kiệt.

 

Chia sẻ bài viết