21/07/2015 - 10:14

Thúc đẩy phát triển giáo dục 5 thành phố trực thuộc Trung ương

Hội nghị giao ban lần thứ hai Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các thành phố lớn: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ vừa diễn ra đầu tháng 7 tại TP Cần Thơ. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đây là 5 đơn vị "đầu tàu" trong phát triển giáo dục cả nước. Tuy tiềm năng phát triển giáo dục của 5 thành phố là rất lớn nhưng quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, thách thức, cần sự tích cực hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương…

* Vai trò tiên phong

Cụm thi đua vùng VII gồm 5 Sở GD&ĐT các thành phố trực thuộc trung ương. Năm học qua, ngành giáo dục 5 thành phố đạt hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cũng như tăng cường nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: "5 thành phố phát huy lợi thế của mình, đi đầu trong nhiều lĩnh vực GD&ĐT trong cả nước: đổi mới dạy và học ngoại ngữ, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi… Một số địa phương đi đầu trong việc ứng dụng thông tin vào dạy và học, kiểm tra và quản lý; đội ngũ giáo viên đạt chuẩn trên chuẩn, áp dụng phương pháp dạy học mới…".

Năm 2014, thành phố CầnThơ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi sớm hơn so với kế hoạch 1 năm. Trong ảnh: Giờ chơi của các bé Trường Mẫu giáo Thới Hòa, quận Ô Môn.

Làm tốt công tác phát hiện và bồi dưỡng nhân tài là điểm nhấn quan trọng trong phát triển giáo dục mũi nhọn 5 thành phố. Nhờ chiến lược này nên các cuộc thi quốc tế, thi học sinh giỏi do Bộ GD&ĐT, các tổ chức giáo dục tổ chức, học sinh 5 thành phố luôn đứng đầu cả nước. Năm học qua, số học sinh giỏi quốc gia của TP Hải Phòng đứng thứ 2 toàn quốc và cũng là địa phương duy nhất 20 năm liên tục có học sinh giỏi quốc tế và khu vực. Ở Hà Nội, chất lượng giáo dục mũi nhọn ngày càng khẳng định, ngành giáo dục thủ đô gặt hái nhiều thành tích 140 giải quốc gia và các giải Olympic quốc tế. TP Hồ Chí Minh "rinh" nhiều giải thưởng cao cấp quốc gia và quốc tế trong các cuộc thi năm 2014…

Là thành phố "trẻ" trong 5 thành phố, thời gian qua Cần Thơ duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, đồng thời đẩy nhanh lộ trình phổ cập giáo dục THPT. Thành phố là địa phương thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc trung ương được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Thầy Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD&ĐT, phấn khởi cho biết: "Cách đây 4 năm, địa phương có ít trường đạt chuẩn. Sau nhiều năm đầu tư, thành phố có trên 35% số trường đạt chuẩn. 6 tháng đầu năm 2015, thành phố vượt chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn". Đà Nẵng là một "điểm sáng" về giáo dục trong số 5 thành phố lớn với nhiều cách làm hay. Một trong số đó phải kể đến công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp; lãnh đạo thành phố luôn có cơ chế ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư cho giáo dục. Đối với những địa phương vùng khó khăn được thành phố đầu tư nhiều và mạnh hơn để có cơ sở vật chất tốt, tránh hiện tượng học sinh di chuyển về các vùng khác. TP Đà Nẵng chủ trương không nhận học sinh trái tuyến, tránh tình trạng nơi thừa lớp, chỗ thiếu trường cho học sinh học…

* Còn đó những khó khăn

Năm học 2014-2015, mạng lưới trường học và quy mô học sinh của ngành giáo dục 5 thành phố ngày càng ổn định và phát triển (tăng 58 trường và 71.785 học sinh) nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nhất là nhu cầu đi học của trẻ độ tuổi mầm non các thành phố. Cơ sở vật chất trường lớp mầm non, trang thiết bị dạy học còn bất cập so với quy mô phát triển, đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu nâng cao chất lượng ngành học.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng việc tăng dân số cơ học hiện nay là một thách thức không nhỏ đối với ngành giáo dục ở các thành phố lớn. Theo thầy Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, do dân số cơ học tăng cao, bình quân hàng năm tăng 60.000 học sinh, áp lực lớn đối với ngành giáo dục. Điều này phần nào gây không ít khó khăn về trường lớp cũng như việc thực hiện giảm sỉ số học sinh/lớp và tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày. Học sinh tăng đòi hỏi tăng giáo viên để đáp ứng nhu cầu, trong khi đó ngành giáo dục đang thực hiện chính sách tinh giảm biên chế. Cùng với khó khăn này, thầy Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết: "Hiện Hà Nội có 1,7 triệu học sinh, năm học qua tăng 77,6 ngàn học sinh. Ngành giáo dục gặp khó trong việc phát triển mạng lưới trường lớp, ở khu vực ngoại thành kinh phí hạn hẹp, còn nội thành thiếu quỹ đất xây dựng trường do dân số cơ học tăng nhanh, dẫn đến việc quy hoạch trường lớp không đáp ứng nhu cầu. Nhiều trường sỉ số 50 học sinh/lớp, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học".

Ngoài ra, lãnh đạo ngành giáo dục 5 thành phố cũng xác định khó khăn vướng mắc trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tiến độ còn chậm; một số trường đạt chuẩn nhưng chưa củng cố sau thời gian sử dụng. Một số trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày còn nặng trang bị kiến thức, chưa chú ý đến giáo dục toàn diện, nhất là kỹ năng sống cho học sinh. Công tác quản lý GD&ĐT có nhiều đổi mới và tiến bộ nhưng chưa theo kịp được sự đổi mới và phát triển xã hội; chất lượng giáo dục ngoài công lập còn thấp. Bên cạnh đó, công tác giáo dục đạo đức, lối sống chưa được quan tâm đúng mức…

Để giáo dục các thành phố phát triển mạnh, thật sự đi trước đón đầu, hòa nhập với khu vực và quốc tế, cần phải xây dựng chiến lược phát triển giáo dục theo các luận cứ khoa học, phù hợp với đặc điểm địa phương, vừa đảm bảo tính tiên tiến hiện đại, vừa đảm bảo nguyên lý giáo dục phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Bài, ảnh: Minh Hoàng

Chia sẻ bài viết