|
Thủ tướng Badawi (trái) và ông Mahathir thời còn nồng ấm. Ảnh: Picasaweb |
Áp lực từ chức đối với Thủ tướng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi càng gia tăng sau khi cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad hôm 19-5 tuyên bố rút khỏi Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) và nói rằng sẽ không trở lại khi nào ông Badawi còn làm chủ tịch đảng. UMNO là đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền Mặt trận Quốc gia (BN, gồm 14 đảng) nên chủ tịch UMNO đương nhiên làm thủ tướng. Uy tín của Thủ tướng Badawi giảm sút nghiêm trọng và ông phải đối mặt với lời kêu gọi từ chức từ phe đối lập và cả các thành viên trong đảng sau khi BN lần đầu tiên kể từ năm 1969 không chiếm được 2/3 số ghế tại quốc hội và để mất 5/13 bang về tay phe đối lập trong cuộc bầu cử cách đây 2 tháng.
Tiến sĩ Mahathir, 82 tuổi, là người từng lãnh đạo UMNO và Malaysia 22 năm trước khi trao quyền lại cho ông Badawi năm 2003. Đích thân chọn ông Badawi làm người kế nhiệm nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, ông Mahathir lại là nhân vật chỉ trích Thủ tướng Badawi gay gắt nhất, đặc biệt là sau cuộc bầu cử hồi tháng 3. Ông Mahathir cho biết nguyên nhân đưa đến quyết định rút khỏi đảng là vì ông mất niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Badawi, đồng thời cáo buộc ông này tham nhũng và “gia đình trị” (ưu ái đề bạt người thân). Theo các nhà phân tích, quyết định rút khỏi UMNO của chính trị gia kỳ cựu này còn có lý do khác. Số là trước đó 3 ngày, Thủ tướng Badawi đã ra lệnh cho Tổng chưởng lý mở cuộc điều tra ông Mahathir cùng 5 người khác vì tình nghi có mờ ám trong việc bổ nhiệm các thẩm phán hồi còn đương chức.
Không chỉ rời khỏi UMNO, ông Mahathir còn kêu gọi các thành viên khác rút lui nhằm gây sức ép buộc ông Badawi từ chức. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Sanusi Junid và ông Kedah, cũng là cựu bộ trưởng, lập tức rời UMNO. Bộ trưởng Nội các và là thành viên cấp cao của UMNO, ông Shahrir Samad, cho rằng quyết định bất ngờ của cựu Thủ tướng Mahathir sẽ châm ngòi cho một làn sóng rời khỏi đảng của các thành viên khác. Theo cựu Phó Thủ tướng Musa Hitam, có thể UMNO sẽ phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp để quyết định số phận của Thủ tướng Badawi.
Điều đáng lo là nội bộ UMNO chia rẽ trong lúc liên minh đối lập do cựu Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim đứng đầu đang lăm le giành quyền lãnh đạo đất nước từ tay BN. Ông Anwar tuyên bố đang có được sự ủng hộ “ngầm” của 30 nghị sĩ thuộc liên minh cầm quyền và có thể sẽ hạ bệ chính phủ của Thủ tướng Badawi trước giữa tháng 9 tới. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 3, liên minh đối lập giành được 82 trong tổng số 222 ghế ở cơ quan lập pháp. Nếu có thêm 30 ghế nữa, phe này sẽ chiếm đa số trong quốc hội và có quyền đứng ra thành lập chính phủ mới.
THANH TRÚC (Theo Reuters, AP)