14/07/2024 - 08:38

Thời tiết khắc nghiệt “thổi bùng” làn sóng di cư ở Ấn Ðộ 

Trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng cực độ, hạn hán và lũ lụt gia tăng về tần suất cũng như cường độ, người dân sống tại nhiều khu vực ở Ấn Độ đang “mất dần khả năng ứng phó”, buộc phải rời bỏ nhà cửa để tìm kế sinh nhai ở nơi khác.

Ấn Ðộ thường xuyên đối mặt lũ lụt. Ảnh: DW

Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE) tại Ấn Độ cho thấy, hồi năm ngoái nước này đã phải trải qua những hiện tượng cực đoan như trên lên tới 314/365 ngày. CSE cho biết, đã có tổng cộng 2.923 người thiệt mạng, gần 2 triệu hec-ta hoa màu bị hủy hoại, 80.000 ngôi nhà bị phá hủy và hơn 92.000 động vật bị chết vì các hiện tượng thời tiết cực đoan. CSE lưu ý con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều, bởi dữ liệu họ thu thập là chưa đầy đủ.

Giám đốc CSE Sunita Narain nói rằng cuộc khủng hoảng về môi trường cũng khiến nhiều người phải di cư đến các siêu đô thị vốn đã quá đông đúc. “Trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng tăng, người dân ngày càng mất dần khả năng ứng phó và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc di cư.” - bà Narain nhấn mạnh.

Theo tờ DW, Ấn Độ ghi nhận lượng người di cư hàng năm cao nhất thế giới, phần lớn là do thiên tai gây ra. Đáng chú ý, báo cáo về “Môi trường Ấn Độ” hồi năm 2022 xếp nước này đứng thứ tư thế giới về vấn đề di cư do biến đổi khí hậu. Báo cáo tiết lộ, hơn 3 triệu người Ấn Độ buộc phải rời bỏ nhà cửa trong giai đoạn 2020-2021 do các thảm họa liên quan đến môi trường. Trong khi đó, Trung tâm Giám sát Dịch chuyển Nội bộ (IDMC, Ấn Độ) ước tính, hiện có tổng cộng khoảng 14 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa do biến đổi khí hậu.

Một báo cáo chung do tổ chức phi chính phủ ActionAid và Mạng lưới Hành động vì khí hậu Nam Á thực hiện cũng dự báo rằng 45 triệu người Ấn Độ buộc phải di cư vào năm 2050 do tình trạng khẩn cấp về khí hậu, gấp 3 lần con số hiện nay.

Các nhà khoa học cho biết, thời tiết khắc nghiệt và những thảm họa liên quan đến thời tiết sẽ trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh hành tinh ngày càng ấm hơn cùng với lượng khí thải nhà kính ngày càng tăng. Hiện Ấn Độ là nước phát thải khí nhà kính cao thứ ba thế giới. Trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố sẽ cắt giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức 0 vào năm 2070.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề di cư do khí hậu gây ra, Roxy Mathew Koll, nhà khoa học khí hậu tại Viện Khí tượng Nhiệt đới Ấn Độ cho rằng Dew Delhi cần phải phát triển một kế hoạch dài hạn. “Ấn Độ đang trải qua tốc độ di cư nhanh chóng từ các khu vực thâm canh nông nghiệp vốn bị ảnh hưởng bởi lượng mưa giảm và hạn hán. Những người bị ảnh hưởng thường di chuyển tới các siêu đô thị đông dân cư như Mumbai, nơi họ phải đối mặt với nhiều rủi ro về khí hậu, gồm mưa lớn, lốc xoáy, nước biển dâng cao” - ông Koll lo ngại.

Abinash Mohanty, chuyên gia về biến đổi khí hậu và bền vững tại tổ chức phát triển quốc tế IPE Global, cho rằng Ấn Độ cần lập bản đồ về tác động của biến đổi khí hậu cụ thể trong từng lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề di cư do khí hậu. Theo ông Mohanty, chỉ riêng căng thẳng về nhiệt độ sẽ khiến Ấn Độ mất hơn 34 triệu việc làm, làm giảm 4,5% GDP vào năm 2030.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết