04/04/2008 - 09:59

Thời kỳ khó khăn đối với Thủ tướng Malaysia

Thủ tướng Malaysia Badawi. Ảnh: AFP

Hôm qua 3-4, Thủ tướng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi tuyên bố sẽ tiếp tục nắm quyền, bất chấp một số thành viên trong nội bộ đảng Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) gây sức ép đòi ông từ chức để chịu trách nhiệm về những tổn thất của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử hồi đầu tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, để giữ được chiếc ghế là nhiệm vụ không dễ dàng đối với Thủ tướng Badawi trong bối cảnh ông phải chịu sức ép từ bên trong lẫn bên ngoài. 3 đảng đối lập chiếm 82 trong tổng số 222 ghế ở quốc hội và kiểm soát 5/13 bang ở Malaysia vừa quyết định liên thủ trong nỗ lực giành quyền lãnh đạo đất nước. Trong cuộc họp báo hôm qua, Thủ tướng Badawi ngỏ ý sẵn sàng mời các nghị sĩ đối lập tham gia Mặt trận quốc gia, nhằm làm cho liên minh cầm quyền có được đa số vững chắc tại Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị đó không được hưởng ứng.

Sau khi liên minh cầm quyền Mặt trận quốc gia lần đầu tiên trong vòng 39 năm qua mất quyền kiểm soát 2/3 số ghế trong quốc hội (được xem như một thất bại), cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, đối thủ chính của ông Badawi trong UMNO, lập tức hối thúc các thành viên chống lại người kế nhiệm. Tuyên bố trước hơn 2.000 thành viên UMNO mới đây, ông Mahathir yêu cầu Thủ tướng Badawi nên từ chức. Theo ông Mahathir, UMNO có thể bị hủy hoại nếu ông Badawi tiếp tục nắm quyền. Tengku Razaleigh Hamzah, một nghị sĩ có uy tín của UMNO, cho biết sẽ phản đối việc ông Badawi tiếp tục giữ chức chủ tịch đảng này trong cuộc bầu cử vào tháng 12 tới (chủ tịch UMNO gần như đương nhiên trở thành thủ tướng bởi UMNO là nòng cốt trong Mặt trận quốc gia). Một số lãnh đạo khác của UMNO cũng kêu gọi tổ chức một cuộc họp đặc biệt trước khi đi đến bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Badawi.

Các nhà phân tích cho rằng thất bại của Mặt trận quốc gia trong cuộc bầu cử vừa qua cho thấy sự bất mãn của các cộng đồng thiểu số (người Hoa và Ấn) đối với những bất công xã hội và phân biệt sắc tộc trong chương trình hành động của chính phủ được gọi là Chính sách kinh tế mới (NEP). NEP, được khởi động vào năm 1971 nhằm giúp người Mã Lai thu hẹp khoảng cách giàu nghèo với người Hoa, được áp dụng triệt để trong 5 năm cầm quyền của Thủ tướng Badawi. Những người phản đối chính sách này cho rằng NEP chỉ làm giàu cho một bộ phận người Mã Lai có quan hệ với UMNO.

Một thách thức khác đối với Thủ tướng Badawi là thúc đẩy phát triển kinh tế Malaysia. Mới đây, ông tuyên bố sẽ tăng cường cải cách kinh tế và trợ giá nhiên liệu (năm ngoái số tiền trợ giá khoảng 12,5 tỉ USD và tiếp tục tăng trong năm nay) và 21 mặt hàng lương thực thiết yếu, nhằm khôi phục sự tín nhiệm đối với chính phủ. Ông cho biết sẽ không hủy bỏ các dự án ở những bang do phe đối lập kiểm soát, nhưng sẽ đánh giá lại kinh phí đầu tư của một số dự án do giá nguyên liệu thô tăng. Chính phủ sẽ nỗ lực kiềm chế giá tiêu dùng ở mức thấp và có biện pháp hỗ trợ những người thu nhập thấp trong bối cảnh lạm phát leo thang. Ông Badawi tin rằng năm nay kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng 6-6,5%. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo mức tăng trưởng kinh tế có thể bị tác động nếu chi tiêu cho phát triển chậm lại.

N.MINH
(Theo AP, Reuters, AFP)

N.MINH (Theo AP, Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết