20/04/2009 - 08:52

Thời của chiến tranh điện tử

Một binh sĩ “chiến tranh điện tử” của Mỹ.
Ảnh: Usmilitary

Cố vấn Viện hàn lâm khoa học cơ khí Nga, ông Yury Zaitsev, vừa lên tiếng cảnh báo rằng trong tương lai, chiến tranh điện tử sẽ trở thành một yếu tố quyết định trong bất kỳ cuộc xung đột nào có sự tham gia của các cường quốc. Sự “nhắc nhở” của ông Zaitsev được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Nga mới đây đã quyết định không thành lập đơn vị chiến tranh điện tử mới như dự kiến, một phần do ngân sách eo hẹp vì tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Ông Zaitsev cho biết thời Liên Xô trước đây, hệ thống chiến tranh điện tử được sử dụng để ngăn chặn sóng vô tuyến ngắn của đối phương, còn ngày nay nó đang trở thành một hoạt động quân sự trọng yếu với nhiều ứng dụng khác nhau. Chẳng hạn, hệ thống này có thể làm thay đổi một cách hiệu quả đường bay tên lửa, gây nhiễu thông tin từ các đơn vị chỉ huy và thậm chí làm tê liệt hoàn toàn kẻ địch. Việc Hồng quân Liên Xô đánh bại phát xít trong Đệ nhị thế chiến có phần nhờ sử dụng hệ thống và phương pháp chiến tranh điện tử như vậy. Tuy nhiên, sau chiến tranh, các đơn vị chiến tranh bằng sóng vô tuyến đặc biệt bị giải tán và chỉ được khôi phục lại trong chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953. Đến những năm 1980, các hệ thống chiến tranh điện tử của Liên Xô được phát triển ở trình độ cao với nhiều tính năng hiệu quả như khả năng đánh giá nhanh sóng vô tuyến trên trận địa, làm tê liệt thiết bị do thám, hệ thống kiểm soát vũ khí và binh sĩ của kẻ thù. Tuy nhiên, nước Nga mới rệu rã thời hậu Liên Xô đã cắt giảm hàng loạt đơn vị chiến tranh điện tử.

Còn chiến tranh điện tử đã được Mỹ sử dụng trong các cuộc chiến chống Libye, Nam Tư và Iraq. Ví dụ năm 1986, quân đội Mỹ làm tê liệt hoàn toàn hệ thống phòng không của Libye rồi sau đó tự do không kích xuống quốc gia Trung Đông này. Hiện nay, trong lực lượng chiến tranh điện tử của Mỹ còn có các đơn vị đặc biệt dùng để hủy hoại các cơ quan kiểm soát hành chính dân sự và quân sự. Quân đội nước này đang có kế hoạch hiện đại hóa các phương tiện chiến tranh điện tử, trong đó kêu gọi tăng cường sử dụng các loại vũ khí vi sóng năng lượng cao, tia laser và hồng ngoại để tấn công mục tiêu của kẻ địch và kiểm soát những đám đông chống đối. Cuộc chiến Iraq đã làm Lầu Năm Góc hiểu rằng mình đang đối mặt với một cuộc chiến không quy ước đẫm máu rất khó lường, chẳng hạn như mối đe dọa từ bom vệ đường được điều khiển từ xa. Cho nên, học thuyết chiến tranh mới của quân đội Mỹ đặt ra mục tiêu sử dụng những công nghệ sao cho có thể phân biệt được đâu là sóng vô tuyến hay điện thoại di động do dân thường và phe đồng minh sử dụng với các thiết bị của kẻ thù. Một trong những ưu tiên hàng đầu của quân đội Mỹ là đào tạo 1.500 binh sĩ và sĩ quan chuyên phục vụ cho chiến tranh điện tử từ nay đến tháng 9-2010.

Tại châu Á, Trung Quốc cũng đang bắt đầu thành lập một đơn vị chiến tranh điện tử riêng và người Mỹ lo ngại Bắc Kinh có thể sớm phát huy thế mạnh vốn có của họ là những công nghệ quân sự điện tử thông minh và tiện dụng hơn.

PHÚC GIA AN
(Theo AP, RIA Novosti, Digital Journal)

Một binh sĩ “chiến tranh điện tử” của Mỹ. Ảnh: Usmilitary

Chia sẻ bài viết