04/01/2014 - 21:51

Thế giới vẫn lởn vởn với bóng ma tài chính

Trung tâm tài chính Phố Đông ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Asianews

Nền kinh tế thế giới nói chung được dự báo sẽ lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng khá trong năm 2014, nhưng mối đe dọa về rủi ro, thậm chí khủng hoảng tài chính vẫn treo lơ lửng trên đầu nhiều nước.

Những gam màu sáng tối

Trong loạt bài viết chuyên đề số ra đầu năm mới, báo "Le Monde" (Thế giới) của Pháp giật tít lớn ngay trên trang nhất: "Năm 2014 báo hiệu nhiều rủi ro tài chính". "Le Monde" lược qua những yếu tố khiến tờ báo không mấy lạc quan: 5 năm sau khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008), rủi ro vẫn đè nặng lên nền kinh tế thế giới. Kinh tế các nước phương Tây đang trên đường hồi phục, nhưng tất cả đều sẽ lệ thuộc vào khả năng chèo lái của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Các quốc gia đang trỗi dậy vẫn đóng góp gần 3/4 vào tăng trưởng của thế giới, song bị thất thoát vốn nghiêm trọng trong năm 2013 nên phải tìm kiếm mô hình phát triển mới. Điều đáng ngại đối với các quốc gia này là nợ công đang tăng lên một cách nguy hiểm, có nước lên tới 1/3 GDP như Trung Quốc. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thoát ra khỏi suy thoái nhưng tăng trưởng còn yếu trong khi nợ công tiếp tục gia tăng. Châu Á đã chống chọi tốt về kinh tế kể từ khi Trung Quốc "bật dậy" mùa hè vừa qua, song tăng trưởng ở những nước khác trong khu vực có phần chậm lại. Trong khi đó, nếu kinh tế Nhật Bản tụt hậu trở lại thì điều này sẽ làm cho các nền kinh tế châu Á yếu đi và sự khác biệt về tăng trưởng ở các nước châu Á sẽ kéo dài.

"Le Monde" bày tỏ quan ngại về nguy cơ khủng hoảng hối đoái ở các nước đang trỗi dậy, ở Indonesia vì không có dự trữ ngoại tệ tốt, hay ở Ấn Độ vì tăng trưởng yếu và lạm phát cao. Theo báo này, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ năm tới sẽ phải rất chật vật để đối phó nguy cơ trên.

Trong lĩnh vực tài chính, "Le Monde" nhận định Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa trên nguồn đầu tư vốn là những khoản nợ công không kiểm soát được của các địa phương. Tờ báo nhắc lại thông báo của cơ quan kiểm toán Trung Quốc, cho thấy nợ của các địa phương đã tăng 67% trong 3 năm qua. Tính cả nợ của chính quyền trung ương, nợ công của nền kinh tế thứ nhì thế giới tương đương 56,2% GDP. Theo báo này, nợ của các địa phương là vấn đề nan giải trong nền kinh tế Trung Quốc vì các chính quyền địa phương vay nợ để đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đường sá, nhà ga, cơ quan chính quyền, nhà ở sang trọng..., giúp Trung Quốc duy trì tăng trưởng và việc làm.

Tại Thái Lan, trong bối cảnh đồng baht mất giá, thị trường chứng khoán tuột dốc và đầu tư nước sụt giảm mạnh, hệ thống tài chính đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nếu cuộc bầu cử sắp tới không giúp giải quyết được ổn định chính trị.

Tuy nhiên, nhật báo kinh tế "Les Echos" của Pháp vừa đăng bài phân tích về triển vọng kinh tế của các nước châu Á trong năm 2014, trong đó tập hợp những nhận định, đánh giá của các chuyên gia đang làm việc tại Ngân hàng RBS (Anh), Tập đoàn Tài chính Nomura (Nhật) và Công ty Tư vấn TAC (Pháp). Theo đánh giá chung, mặc dù kinh tế các nước châu Á vừa trải qua năm 2013 với nhiều thách thức và tỷ lệ tăng trưởng có chậm lại do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, song trong năm 2014 tốc độ tăng trưởng trung bình của khu vực này vẫn ở mức khoảng 6%. Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia sẽ vẫn là những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao; Hàn Quốc và Philippines sẽ vươn lên trở thành hai quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu châu Á.

Niềm hy vọng mới

Trong năm 2013, lục địa đen đã đạt tăng trưởng GDP trung bình 4,8% và sẽ tăng lên 5,3% trong năm 2014 theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AFDB). Với 1/3 trong tổng số 54 quốc gia đạt mức tăng trưởng trên 6% trong năm qua, châu Phi giờ đây đã trở thành khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới.

Được hưởng lợi từ giá khoáng sản tăng suốt một thập kỷ qua và hiện vẫn còn đứng ở mức tương đối cao, nhiều quốc gia châu Phi giàu tài nguyên thiên nhiên đã đầu tư mạnh mẽ phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông, viễn thông và tài chính-ngân hàng là các mục tiêu được ưu tiên. Có thể nói năm 2013 là năm bùng nổ các dự án lớn về hạ tầng tại châu lục này.

Tháng 1-2013, quốc gia Đông Phi Kenya đã khởi động một dự án trị giá 14,5 tỉ USD xây dựng một thành phố công nghệ thông tin, được mệnh danh là "Thung lũng Savannah của châu Phi", cách Thủ đô Nairobi 60 km. Với tiến trình xây dựng kéo dài 20 năm, được chia làm 4 giai đoạn, thành phố công nghệ này sẽ tạo ra 200.000 việc làm vào năm 2030. Đến tháng 11-2013, Kenya cũng đã khởi công xây dựng một tuyến đường sắt trị giá 13,7 tỉ USD nối liền thành phố cảng Mombasa của nước này với Uganda, Rwanda và Nam Sudan, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016.

Trong khi đó, quốc gia giàu dầu mỏ Nigeria đã đạt mức tăng trưởng 6,8% năm 2013 và có thể sớm "soán ngôi" đầu tàu kinh tế do Nam Phi đang nắm giữ.

Còn tại CHDC Congo, chính phủ nước này đã khởi động giai đoạn đầu tiên của tiến trình xây dựng con đập khổng lồ mang tên "Đại Inga" với chi phí xây dựng lên tới 80 tỉ USD. Nếu vượt qua được những thách thức về tài chính trong dài hạn, Đại Inga sẽ có thể đạt công suất tới 80.000 MW điện năng, vượt qua đập Tam Hiệp của Trung Quốc để trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới.

Tháng 5-2013, Éthiopié cũng đã bắt đầu khởi công công trình chuyển hướng dòng chảy của sông Nile Xanh để mở đường cho việc xây dựng đập thủy điện "Đại chấn hưng Éthiopié". Khi hoàn thành vào năm 2017, con đập trị giá 4,8 tỉ USD này sẽ cho công suất tối đa 6.000 MW điện năng.

Trong lĩnh vực viễn thông và tài chính-ngân hàng, châu Phi cũng đạt được những bước tiến lớn. Từ xuất phát điểm thấp nhất thế giới, giờ đây công nghệ di động đang tạo ra những "cơn sốt" tại nhiều nước trong châu lục. Hệ thống giao dịch di động được đánh giá là ứng dụng thành công nhất của châu Phi, với 14% số người trưởng thành đã thực hiện các giao dịch ngân hàng thông qua điện thoại di động trong năm 2013, cao hơn nhiều so với mức trung bình 6% của cả thế giới.

Với việc phát hiện thêm một số nguồn tài nguyên thiên nhiên mới đây, trong đó có những mỏ khí đốt lớn và những nguồn nước ngầm khổng lồ, châu lục giàu tài nguyên thiên nhiên nhất thế giới và có dân số trẻ nhất thế giới đang bước vào năm mới 2014 với những niềm hy vọng mới. Tuy nhiên, xung đột và bạo lực là mối đe dọa nghiêm trọng đối với lục địa đen còn vô vàn nghèo khó này.

ĐỨC TRUNG (Theo TTXVN, Reuters)

 

Trung tâm tài chính Phố Đông ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Asianews

Chia sẻ bài viết