06/10/2010 - 08:55

Thế giới trước nỗi lo “chiến tranh tiền tệ”

Đồng đô-la Mỹ cũng có khả năng bị ghìm giá với các đồng tiền tệ khác trên thế giới.
Ảnh: Getty Images

Cuối tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ nhóm họp theo thông lệ hàng năm tại Washington. Cuộc họp mùa Thu năm nay diễn ra trong bối cảnh hồi đầu tuần rồi (27-9), Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantegan đã lên tiếng cảnh báo về “cuộc chiến tranh tiền tệ thế giới”. Ông Mantegan nói: “Chúng ta đang ở giữa cuộc đua của các chính phủ trên thế giới nhằm làm yếu đồng tiền của nước mình để tăng tốc độ hồi phục kinh tế. Tình hình này đe dọa chúng ta vì nó tiêu diệt cạnh tranh”. Đây được cho là một trong những phát biểu mạnh mẽ nhất từ một quan chức cấp cao chính phủ về vấn đề tỷ giá ngoại tệ đang gây tranh cãi trên trường quốc tế.

Với giọng điệu nhẹ nhàng hơn, nhưng Giám đốc điều hành IMF, ông Dominique Strauss-Kahn, ngày 2-10 cũng thúc giục các nền kinh tế lớn trên thế giới hãy cùng nhau hợp tác nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra “cuộc chiến tranh tiền tệ toàn cầu” cản trở sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, Chủ tịch WB Robert Zoellick cho rằng những mối quan ngại về “cuộc chiến tranh tiền tệ lan rộng” giữa các nền kinh tế lớn nhất hành tinh là “hơi khuếch đại”, nhưng dự báo “có sự căng thẳng giữa các quốc gia” thông qua việc ghìm giá đồng nội tệ ở mức thấp, nhằm duy trì ưu thế xuất khẩu trong nền kinh tế toàn cầu còn tăng trưởng chậm chạp. Mới đây nhất, ngày 4-10, Viện Tài chính Quốc tế có trụ sở tại Washington kêu gọi các nhà lãnh đạo tài chính và ngân hàng trung ương của các cường quốc phải chuẩn bị tinh thần chống lại “sự căng thẳng đang leo thang” về chính sách tỷ giá hối đoái quốc tế.

Những lời kêu gọi, thúc giục và cảnh báo trên không chỉ xuất phát từ cuộc giằng co giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc xung quanh đồng Nhân dân tệ, mà còn từ việc Nhật Bản hồi tháng 9 đã quyết định can thiệp thị trường hối đoái nhằm bảo vệ năng lực xuất khẩu quốc gia khi đồng Yen liên tục lên giá. Đây là lần tiên trong 6 năm qua Tokyo mới hành động như vậy. Tiếp theo, các ngân hàng trung ương Brazil và Thụy Sĩ cũng can thiệp nhằm làm yếu đồng nội tệ. Mặc khác, nhiều người lo ngại Mỹ cũng có khả năng “phá giá” đồng USD như đã từng làm trong lịch sử. Năm 1985, lần đầu tiên chính phủ Mỹ, Anh, Pháp, Tây Đức, Nhật Bản đồng ý để đồng bạc xanh giảm giá. Trước đó, năm 1971, Washington tăng mức thuế nhập khẩu thêm 10% và chấm dứt việc chuyển đổi USD thành vàng nhằm kéo đồng bạc xanh giảm giá trị.

Có điều, như nhà chiến lược tiền tệ Mansoor mihi-Uddin của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) nhận định, không có bất kỳ một nước nào thành công trong việc hãm giá đồng nội tệ nếu mọi quốc gia khác cũng cùng lúc làm theo. Vậy nên, theo ông Mansoor, các nước cần “một sân chơi tiền tệ bình đẳng” trong bối cảnh nền kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng chung.

PHÚC KIẾN (Theo Le Monde, AFP và Reuters)

Một trong những nguyên nhân khiến đồng nội tệ của nhiều nước giảm giá so với đồng đô-la Mỹ là chính sách dự trữ ngoại tệ chủ yếu bằng USD. Từ tháng 1-1999 đến tháng 7-2008, dự trữ ngoại tệ chính thức trên thế giới tăng từ 615 tỉ USD lên 7.534 tỉ USD. Sau khi giảm 472 tỉ USD (6%) từ giữa tháng 7-2008 đến tháng 2-2009, dự trữ ngoại tệ lại tăng thêm 1.324 tỉ USD, tức đạt 8.385 tỉ USD từ tháng 2-2009 đến tháng 5-2010. Trung Quốc là nước có mức dự trữ ngoại tệ lớn nhất, chiếm 40% của thế giới từ tháng 2-2009 và xuống còn 30% hồi tháng 6-2010 với 2.450 tỉ USD, bằng 50% GDP của cả nền kinh tế.


Đồng đô-la Mỹ cũng có khả năng bị ghìm giá với các đồng tiền tệ khác trên thế giới. Ảnh: Getty Images

Chia sẻ bài viết