VÕ KIM HÙNG
Đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lãnh vực khác” mà Đảng và Nhà nước ta kiên trì thực hiện trong những thập niên qua ngày càng xác lập, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Và năm 2007 có thể xem là năm đỉnh cao trong quá trình hội nhập khi chúng ta được sự tin cậy, tín nhiệm bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009.
Thắng lợi mới trong hoạt động đối ngoại năm qua đã góp phần to lớn củng cố mối quan hệ quốc tế hòa bình, thân thiện, môi trường thuận lợi để chúng ta tiếp tục gặt hái thành công trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 |
Ngày 17-10-2007, tại Thủ đô Bình Nhưỡng (CHDCND Triều Tiên), Tổng Bí thư Kim Jong Il tiếp và hội đàm với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Ảnh: ĐINH XUÂN TUÂN - TTXVN |
* Bước ngoặt mới - Tầm thế mới
Ngày 16-10-2007 - tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng LHQ khóa họp thường niên lần thứ 62, 183/190 đại biểu là thành viên LHQ đã nhất trí bầu Việt Nam giữ ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009. Từ ngày 1-1-2008, Việt Nam sẽ thay mặt cho 53 quốc gia châu Á cùng với các ủy viên không thường trực khác đại diện cho các châu lục và khu vực và 5 Ủy viên thường trực của HĐBA giải quyết những vấn đề quan trọng hàng đầu của thế giới trong lãnh vực chính trị - quân sự; bảo vệ hòa bình - an ninh thế giới.
 |
Nhật hoàng Akihito và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Tokyo, tháng 11-2007. Ảnh: NGUYỄN KHANG-TTXVN |
 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp toàn thể ngày 28-9-2007 của Đại hội đồng LHQ khóa 62 - khóa họp Đại hội đồng đã nhất trí bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Ảnh: ĐỨC TÁM - TTXVN |
Đánh giá sự kiện quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Tiếp sau việc tham gia chính thức vào WTO, tổ chức thương mại toàn cầu lớn nhất thế giới, việc Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ là một mốc quan trọng, hết sức có ý nghĩa trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của đất nước ta, khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia trong cộng đồng quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Đây là thành quả của những nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tạo nên tầm thế mới của đất nước ta trên trường quốc tế... Việc trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ là cơ hội để chúng ta nâng cao hơn nữa vị thế và hình ảnh một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình với những tham gia và đóng góp hiệu quả vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, phồn vinh, dân chủ và tiến bộ xã hội...”.
Là một chuyên gia tầm cỡ về những vấn đề chiến lược của châu Á và thế giới, Giáo sư Carl Thyer ở Học viện Quốc phòng Australia nhận định: “... (là thành viên HĐBA) Hà Nội sẽ nhận được nhiều hơn sự tôn trọng từ các chính phủ khác, đặc biệt là trong khối 53 nước châu Á đã đồng thuận đề cử Việt Nam... Đây là một nhiệm vụ mới vì dù trước đây Việt Nam từng là thành viên hoặc lãnh đạo nhiều tổ chức, cơ quan của LHQ, nhưng các tổ chức đa phương đó chỉ ra những quyết định không bắt buộc. Giờ đây Việt Nam phải bỏ phiếu (quyết định) những vấn đề quan trọng nhất của thế giới thông qua những nghị quyết có tính bắt buộc...”.
Nhấn mạnh lịch sử đấu tranh và quá trình đổi mới đạt nhiều hiệu quả tích cực của Việt Nam, Giáo sư Carl Thyer khẳng định: “Việt Nam có thể trở thành tâm điểm để các nước thế giới thứ ba chia sẻ những lo ngại về một số vấn đề như toàn cầu hóa và sự can thiệp của các cường quốc...”.
Giáo sư David Koh thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore nhận xét: “Vào HĐBA LHQ là một bước ngoặt trong lịch sử ngoại giao (của Việt Nam). Việt Nam hoạt động trên một vũ đài lớn hơn, hội nhập sâu hơn... là kết quả bước đầu của đường lối đối ngoại hội nhập, đa phương hóa chính sách ngoại giao mà Việt Nam theo đuổi từ hơn hai thập niên qua...”.
Đại sứ Việt Nam tại LHQ Lê Văn Lương khi cảm ơn những bạn bè quốc tế chúc mừng Việt Nam được bầu làm thành viên HĐBA, cho rằng sau việc trở thành thành viên WTO, đây là bước hoàn thành quá trình hội nhập đầy đủ của đất nước trên cả hai lĩnh vực kinh tế - thương mại và an ninh - chính trị.
* Xác lập uy tín và khả năng trên vũ đài thế giới
Năm qua, quan hệ đối ngoại truyền thống với các nước láng giềng, các nước khu vực Đông Nam Á, Đông Á, các nước lớn và các trung tâm chính trị - kinh tế của thế giới tiếp tục phát triển tích cực, nâng lên một bước mới. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta đã có hàng loạt chuyến thăm làm việc, tham dự các hội nghị, diễn đàn quan trọng đến LHQ, EU, ASEAN, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, hai miền bán đảo Triều Tiên, nhiều quốc gia Nam Thái Bình Dương, Đông Nam Á, châu Âu, Trung Đông, châu Mỹ La-tinh, châu Phi... và đã đón tiếp hàng chục đoàn cấp cao của LHQ, EU, ASEAN, các lãnh đạo Nhà nước, chính phủ của nhiều nước từ khắp các châu lục đến thăm, tăng cường mối quan hệ đa phương và song phương, chia sẻ những kinh nghiệm trong tiến trình đổi mới, hội nhập.
Quan hệ đối ngoại đã góp phần tích cực trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, tham gia giải quyết những vấn đề tồn tại hoặc mới phát sinh liên quan đến độc lập, chủ quyền, an ninh chính trị và an toàn xã hội như những vấn đề liên quan đến biên giới lãnh thổ, những hoạt động lợi dụng danh nghĩa dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, chống phá hệ thống chính trị do nhân dân ta lựa chọn.
Uy tín và khả năng đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề an ninh - chính trị quốc tế quan trọng ngày càng được khẳng định, đánh giá cao. Thành tựu trong quan hệ đối ngoại đã tô đậm hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế; nhiều tổ chức quốc tế, khu vực, nhiều nước đánh giá cao và tin tưởng rằng Việt Nam có thể thông qua mô hình và nỗ lực của mình để hỗ trợ giải quyết những vấn đề tồn tại hoặc phát sinh nơi này nơi nọ trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp toàn thể ngày 28-9-2007 của Đại hội đồng LHQ khóa 62 - khóa họp Đại hội đồng đã nhất trí bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Ảnh: ĐỨC TÁM - TTXVNHãng tin Kyodo của Nhật Bản ngày 20-11-2007 phát trên mạng toàn cầu rằng trong khuôn khổ cuộc họp giữa lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác Đông Á tại Singapore trung tuần tháng 10-2007, Ngoại trưởng Nhật Bản Masahiko Komura đã gợi ý với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm về việc Việt Nam tham gia, làm trung gian để giải quyết những tồn tại, cải thiện mối quan hệ còn nhiều trục trặc giữa Tokyo và Bình Nhưỡng. Cũng trong tháng 11-2007, đặc sứ của LHQ về Myanmar, ông Ibrahim Gambari, đã đến Hà Nội mang theo thư của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon chúc mừng Việt Nam là thành viên Hội đồng Bảo an LHQ. Các nguồn tin từ Hà Nội cho rằng ông Ibrahim Gambari đã chuyển đến các nhà lãnh đạo Việt Nam thông điệp của Tổng Thư ký LHQ kêu gọi Việt Nam sẵn sàng tham gia, hỗ trợ (LHQ) trong cuộc giải quyết ôn hòa những bất ổn ở Myanmar.
Cùng với LHQ, nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế đánh giá cao và nêu rõ Việt Nam là một mẫu hình của công cuộc cải cách kinh tế theo hướng thị trường hóa, hội nhập toàn cầu đạt kết quả rất cao, Việt Nam còn là một mô hình thuyết phục nhất trong việc xóa đói giảm nghèo, thực hiện và hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ cũng như triển khai thành công và chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc thực hiện các chương trình hành động của các hội nghị, cơ quan, tổ chức đa phương của LHQ và các tổ chức khu vực.
* Tạo dựng môi trường hòa bình để đẩy mạnh phát triển
Quan hệ đối ngoại thực tế đã góp phần tạo dựng và củng cố môi trường hòa bình, hợp tác thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong năm qua chúng ta tiếp tục đạt được những thành tựu mới, liên tục nhiều năm, năm sau cao hơn năm trước trong các lĩnh vực: trợ giúp phát triển của quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng giao thương, thu hút mạnh du lịch và mở hướng đầu tư ra các nước.
Tại hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam cuối năm qua tại Hà Nội, các tổ chức và quốc gia đã cam kết trợ giúp phát triển chính thức bao gồm viện trợ không hoàn lại và cho vay ưu đãi cho Việt Nam năm 2008 trên 5,4 triệu USD, là con số kỷ lục về ODA từ trước tới nay, tăng 1 tỉ USD so kỷ lục của năm 2006 là 4,4 tỉ USD. Trong số ODA cam kết, Ngân hàng Phát triển châu Á dẫn đầu với 1,3 tỉ USD, kế đến là Ngân hàng Thế giới 1,1 tỉ USD, Nhật Bản 1,1 tỉ USD, Liên minh châu Âu 962 triệu USD, Mỹ 114 triệu USD...
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm qua tiếp tục phá kỷ lục của những năm trước: đạt 20,3 tỉ USD so với kỷ lục 12 tỉ USD của năm 2006. Từ khi mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài những năm giữa thập niên 1980, đến nay đã có 8.630 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 85 tỉ USD. Trong 20 năm qua, đã có 7.300 dự án được triển khai hoạt động với vốn đầu tư thực tế trên 66 tỉ USD. Với hàng chục dự án đầu tư ra nước ngoài được triển khai trong năm qua, đến nay Việt Nam cũng đã có 217 dự án với vốn đăng ký gần 1,2 tỉ USD đến các quốc gia Đông Nam Á, châu Phi, Trung Đông...
Ngoại thương cũng lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch hai chiều đạt trên 109 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 49 tỉ USD, tăng khoảng 21% so với năm 2006. Cùng với tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, năm qua chúng ta cũng mở thêm nhiều thị trường tiềm năng mới, đặc biệt là ở Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi, nâng số đối tác có quan hệ thương mại với Việt Nam lên trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. An ninh chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao, xã hội tiếp tục phát triển và được điều chỉnh bởi đường lối chính sách đối ngoại rộng mở, Việt Nam tiếp tục thu hút khách du lịch nước ngoài ngày càng đông và thu hút kiều hối ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội.
*
* *
Ngày nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế của cộng đồng thế giới. Quan hệ đối ngoại của nước ta tiếp tục phát triển những bước mới, phát huy vị thế quốc tế và vai trò đóng góp nhiều hơn nữa vào mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển của nhân loại. Bạn bè quốc tế đánh giá cao và đặt niềm tin vào một nước Việt Nam đã từng kiên cường, anh dũng trong đấu tranh vì hòa bình, giành độc lập tự do trước đây, ngày nay đang thực hiện thành công công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ, tiếp tục là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với các nước, các tổ chức quốc tế.
Với truyền thống ngoại giao linh hoạt, sáng tạo của dân tộc, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Đảng và Nhà nước ta, nhất định chúng ta tiếp tục phát huy những thắng lợi to lớn trên mặt trận quan hệ đối ngoại, củng cố môi trường hòa bình, ổn định để đất nước tiếp tục phát triển vững bền cùng cộng đồng thế giới đã tin tưởng giao cho Việt Nam nhiều trọng trách mới.