15/10/2020 - 20:21

Thái Lan thực thi sắc lệnh khẩn cấp 

Chính phủ Thái Lan ngày 15-10 đã thực thi sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok để kiểm soát cuộc biểu tình của những người tự xưng là Nhóm Nhân dân.

Đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động Thái Lan và những người biểu tình ngày 15-10. Ảnh: AP

Đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động Thái Lan và những người biểu tình ngày 15-10. Ảnh: AP

Trong thông báo được công bố trên truyền hình nhà nước Thái Lan, cảnh sát cho rằng việc ban bố sắc lệnh khẩn cấp là nhằm “duy trì hòa bình và trật tự”. Sắc lệnh có hiệu lực từ 4h sáng 15-10, cấm tụ tập từ 5 người trở lên và cho phép lực lượng chức năng phong tỏa mọi khu vực được họ chỉ định. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng cấm “xuất bản tin tức, các hình thức truyền thông và thông tin điện tử chứa thông điệp có thể gây sợ hãi hoặc cố ý bóp méo thông tin, tạo ra nhận thức sai lầm có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.

Ngay sau đó, cảnh sát chống bạo động Thái Lan tiến hành giải tán người biểu tình bên ngoài văn phòng thủ tướng, nơi họ đã tụ tập từ ngày 14-10. Nhiều người biểu tình tìm cách kháng cự bằng cách dựng các thùng rác làm rào chắn nhưng nhanh chóng bị lực lượng chức năng trấn áp. Hãng tin Reuters dẫn lời nhóm luật sư nhân quyền Thái Lan cho biết ít nhất 3 thủ lĩnh của phong trào biểu tình chống chính phủ đã bị bắt giữ.

Ảnh hưởng đến kinh tế

Theo thông báo của Thủ tướng Prayuth vào sáng sớm 15-10, hoạt động biểu tình tại thủ đô “có thể dẫn tới tình trạng bạo lực, ảnh hưởng tới nền kinh tế và sự an toàn của người dân”, đồng thời tác động tiêu cực đến khả năng chống đại dịch COVID-19 của Thái Lan. Ông Prayuth lên nắm quyền từ năm 2014 sau cuộc đảo chính quân sự.
Làn sóng biểu tình nổ ra trong bối cảnh xứ sở Chùa Vàng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất dưới tác động của COVID-19. Do Thái Lan phụ thuộc nhiều vào du lịch và thương mại, tình hình bất ổn có thể cản trở kế hoạch của chính phủ là dần dần mở cửa lại du lịch cho du khách quốc tế trong tháng này.

Chính phủ Thái Lan nhấn mạnh họ hành động nhằm đối phó với tình trạng hỗn loạn ngày càng gia tăng do biểu tình, đặc biệt sau vụ cản trở đoàn xe của Vua Maha Vajiralongkorn hôm 14-10. Vua Maha Vajiralongkorn, 68 tuổi, người dành phần lớn thời gian sống ở Ðức, đang có chuyến trở về Thái Lan hiếm hoi nhân kỷ niệm 4 năm ngày mất của cha ông, Quốc vương Bhumibol Adulyadej.

Ðược biết, hơn 20 người đã bị bắt vì từ chối rời khỏi khu vực gần tòa nhà chính phủ. Ngoài ra, cảnh sát Bangkok cũng lập các chốt kiểm soát với sự hỗ trợ của quân đội nhằm ngăn chặn người biểu tình tụ tập.

Các cuộc biểu tình ở Thái Lan leo thang trong 3 tháng qua. Nhưng đến ngày 14-10, hàng chục ngàn người tập trung tại Tượng đài Dân chủ đã tuần hành tới tòa nhà chính phủ, yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức và chính quyền ban hành Hiến pháp mới. Người biểu tình cũng kêu gọi tiến hành cải cách chế độ quân chủ lập hiến Thái Lan, giảm bớt quyền lực của Vua Maha Vajiralongkorn - hành động được cho là phá bỏ cấm kỵ lâu đời tại nước này về việc chỉ trích Hoàng gia. Người Thái bị cấm phát ngôn tiêu cực về Hoàng gia và có thể đối diện 15 năm tù vì tội khi quân.

Hoàng gia Thái Lan từ lâu được coi là bất khả xâm phạm và nền tảng của bản sắc quốc gia. Tuy nhiên, Vua Maha Vajiralongkorn thời gian qua được cho đã mở rộng quyền lực của mình, như tăng cường sức mạnh của Bộ Tư lệnh An ninh Hoàng gia, trực tiếp kiểm soát tài sản trị giá 40 tỉ USD của Hoàng gia và đứng tên sở hữu cổ phần của nhiều tập đoàn quốc doanh. Ngân sách hoàng gia cũng tăng lên. Pavin Chachavalpongpun, phó giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu Ðông Nam Á của Ðại học Kyoto cho biết: “Ông Vajiralongkorn đã trở thành vị vua quyền lực nhất kể từ năm 1932 xét trên bình diện thực quyền”. Bản thân nhà vua Thái Lan có quyền lực rất lớn, nhưng cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej thực thi quyền của mình chủ yếu thông qua ủy nhiệm. Còn Vua Vajiralongkorn đang nắm quyền lực của chính mình.

Cuộc biểu tình đòi dân chủ hiện nay là chưa từng có và nó diễn ra trong bối cảnh kinh tế Thái Lan bị tác động lớn vì đại dịch COVID-19 và một số người dân không hài lòng cuộc sống xa hoa của Hoàng gia. 

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết