12/01/2025 - 16:32

Thái Lan cấm nhập khẩu rác thải nhựa 

Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn các mối nguy hại đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, Thái Lan vừa chính thức ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa. Ðộng thái này được Bangkok đưa ra trong bối cảnh giới chuyên gia cảnh báo việc không đạt được thỏa thuận về một hiệp ước toàn cầu nhằm cắt giảm rác thải nhựa sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với
sức khỏe con người.

Một công nhân Thái Lan đang phân loại rác thải nhựa để tái chế. Ảnh: Guardian

“Lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa sẽ thúc đẩy tái chế nhựa ở Thái Lan, đảm bảo sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và giảm lượng rác thải nhựa chưa sử dụng. Ðộng thái này cũng sẽ giúp giảm tình trạng ô nhiễm có thể tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Vấn đề rác thải nhựa của Thái Lan đã tăng đáng kể. Chúng tôi đang phải vật lộn với tình trạng rác thải điện tử lẫn tình trạng rác thải nhựa” - Bộ trưởng Ngoại thương Thái Lan Arada Fuangthong cho biết.

Lâu nay, Thái Lan là một trong số các quốc gia Ðông Nam Á chi nhiều tiền để nhập khẩu rác thải nhựa từ các nước phát triển. Xứ sở Chùa Vàng đã trở thành điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu rác thải nhựa từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh và Nhật Bản vào năm 2018 sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải nhựa. Trong đó, Nhật Bản là một trong những nước xuất khẩu rác thải nhựa lớn nhất sang Thái Lan. Ước tính, khoảng 50.000 tấn rác thải nhựa đã được nước này xuất khẩu sang Thái Lan vào năm 2023. Giới chức hải quan Thái Lan cho hay, hơn 1,1 triệu tấn rác thải nhựa đã được nước này nhập khẩu trong giai đoạn 2018-2021.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu rác thải nhựa ở Thái Lan thường không được giám sát chặt chẽ, dẫn tới việc nhiều nhà máy đốt rác thải thay vì tái chế, từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. “Mặc dù đây là một bước tiến lớn đối với Thái Lan nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Sau khi luật có hiệu lực, Chính phủ Thái Lan phải nỗ lực để đảm bảo việc thực thi và triển khai luật. Ðiều này có nghĩa là các cơ quan công nghiệp, môi trường và hải quan phải hợp tác để ngăn chặn bất kỳ hoạt động nhập khẩu rác thải nhựa trái phép nào. Luật hiện hành không đề cập đến việc vận chuyển rác thải nhựa, tức Thái Lan có thể được sử dụng làm quốc gia trung chuyển để vận chuyển rác thải nhựa đến các quốc gia láng giềng. Chính phủ Thái Lan phải cảnh giác với điều này” - Punyathorn Jeungsmarn, chuyên gia nghiên cứu về nhựa tại Quỹ Công lý Môi trường, lo ngại.

Thật ra, Thái Lan và các nước đang phát triển khác, đặc biệt là ở Ðông Nam Á, đã trở thành “bãi rác thải” của các quốc gia giàu có trong nhiều thập niên. Cho đến năm 2017, Trung Quốc là nước nhập khẩu nhựa phế thải lớn nhất hành tinh khi trung bình mỗi năm mang về 8 triệu tấn rác thải nhựa từ hơn 90 quốc gia trên thế giới. Và sau lệnh cấm của Bắc Kinh, rác thải nhựa từ các nước giàu lại ồ ạt đổ vào các quốc gia Ðông Nam Á.

Mặc dù cấm nhập khẩu rác thải nhựa, Thái Lan vẫn là một trong 10 quốc gia gây ô nhiễm nhựa lớn nhất thế giới với mỗi năm thải ra khoảng 2 triệu tấn rác thải nhựa và chỉ tái chế 25% trong số đó. Hơn nữa, có ít nhất 50.000 tấn rác thải nhựa không được thu gom và xử lý không đúng cách bị trôi ra đại dương hằng năm, khiến Thái Lan trở thành quốc gia thải rác nhựa ra biển lớn thứ sáu thế giới.

Theo dữ liệu từ Văn phòng thống kê châu Âu (Eurostat), Malaysia đang trở thành địa điểm chứa rác thải nhựa lớn thứ hai thế giới từ EU. Lượng rác thải nhựa mà EU vận chuyển sang Malaysia trong năm 2023 tăng 35% so với năm 2022. Năm 2023, EU đã xuất khẩu tổng cộng 8,5 triệu tấn giấy, nhựa và thủy tinh sang các nước, trong đó hơn 20% lượng rác thải nhựa được đổ về các bãi rác tại Malaysia. Điều này đặt ra mối lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường tại quốc gia Đông Nam Á này.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết