27/01/2011 - 08:24

Thách thức mới cho chính sách đối ngoại của Mỹ

Người biểu tình va chạm với cảnh sát tại Cairo (Ai Cập) hôm 25-1. Ảnh: Reuters

Thời báo New York của Mỹ số ra ngày 25-1 có bài viết cho rằng tình hình bất ổn hiện nay ở nhiều nước thuộc thế giới A-rập từ Tunisie tới Ai Cập và Liban đang ảnh hưởng tới chính sách ngoại giao của Mỹ.

Tại Ai Cập, nơi một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ – Tổng thống Hosni Mubarak đối mặt với những cuộc biểu tình dữ dội nhất trong nhiều năm qua. Ngày 25-1, hơn 10.000 người đã đổ ra các con đường ở Thủ đô Cairo và một số thành phố lớn của Ai Cập để hô vang các khẩu hiệu chống chính phủ. Những người biểu tình quá khích đã đụng độ với cảnh sát, làm 3 người thiệt mạng. Trong khi đó, tại Liban, sau thắng lợi trước cựu Thủ tướng Saad Hariri, ứng viên Najib Mikati do phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah ủng hộ đang tiến hành thành lập chính phủ mới. Còn tại Tunisie, chính quyền lâm thời đang nỗ lực thiết lập quyền kiểm soát đất nước trong bối cảnh biểu tình và đình công vẫn diễn ra gay gắt. Chính quyền tại các nước này đang vất vả với các lực lượng thù địch tiềm tàng và nguy cơ bất ổn.

Ngay cả chương trình trọng tâm trong chính sách Trung Đông của Mỹ là cuộc hòa đàm Israel – Palestine cũng trở nên khó khăn hơn, sau khi nhiều tài liệu mật về những nhượng bộ của Palestine trong các cuộc đàm phán với Israel, bị công bố. Việc tiết lộ này dường như sẽ khiến Palestine khó có thể đưa ra thêm bất kỳ sự nhượng bộ nào nữa.

Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, giới chức Mỹ cho rằng những biến động, nhất là ở Ai Cập, có thể thách thức chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của Washington. Tuần rồi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho ông Mubarak sau những diễn biến ở Tunisie, nhằm khẳng định lại sự ủng hộ của Washington đối với chính quyền của ông Mubarak.

Còn với Liban, ngày 25-1, Nhà Trắng đã cho thấy rõ quan điểm chống Hezbollah và cảnh báo rằng Washington có thể cắt hàng trăm triệu đô-la viện trợ cho Beirut. Trong khi đó, đối với vấn đề Tunisie, chính quyền Obama đã cử nhà ngoại giao kỳ cựu Jeffrey Feltman, tới nước này khi Tunis chuẩn bị các cuộc bầu cử sau khi Tổng thống Ben Ali bị phế truất. Feltman nói Washington đang nỗ lực đóng vai trò “hỗ trợ” tại Tunis.

Tuy nhiên, theo nhận định của Aaron David Miller, nhà nghiên cứu chính sách cộng đồng thuộc Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson, “cái khó đối với chính quyền Obama là thể hiện quan điểm sao cho không có mâu thuẫn trong chính sách của Mỹ đối với Ai Cập và những nước đang lâm vào tình trạng bất ổn xuất phát từ những nguyên do gần như tương tự”.

N.MINH (Theo NYT, WSJ, Reuters)

Chia sẻ bài viết