29/01/2010 - 08:28

Thách thức đối với tổng thống Sri Lanka

Tổng thống Mahinda Rajapaksa. Ảnh: AFP

Theo kết quả được Ủy ban Bầu cử Sri Lanka công bố hôm 27-1, với 57,88% số phiếu ủng hộ, đương kim Tổng thống Mahinda Rajapaksa đã giành thắng lợi trước đối thủ Sarath Fonseka, cựu chỉ huy quân đội, được 40,15%. Đây là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến kéo dài gần 3 thập niên hồi giữa năm ngoái.

Tuy giành chiến thắng nhưng trước mắt ông Rajapaksa còn nhiều thách thức. Đối thủ chính Fonseka đã đệ đơn lên Ủy ban Bầu cử đòi hủy bỏ kết quả cuộc bỏ phiếu, cho rằng có gian lận. Ông Fonseka còn cáo buộc chính phủ đã giam lỏng ông trong một khách sạn ở Thủ đô Colombo trong ngày công bố kết quả bầu cử. Trong khi đó, phía chính phủ nói làm như vậy là để “bảo đảm an toàn” cho ông.

Theo các nhà phân tích, ông Rajapaksa không có nhiều thời gian để thưởng thức hương vị chiến thắng. Quốc hội Sri Lanka sẽ giải tán vào tháng 4 tới sau khi hoàn tất nhiệm kỳ 6 năm, và tiến hành tổng tuyển cử vào giữa năm nay. Tuy thất bại trong bầu cử, nhưng ông Fonseka sẽ là thách thức lớn đối với tổng thống khi cựu Tướng 4 sao này đã tuyên bố đứng về phe đối lập. Việc các đảng đối lập liên kết với nhau có thể một lần nữa gây bất ổn cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Cần nhắc lại rằng giai đoạn tranh cử tổng thống vừa qua đã bị phá hoại bởi hơn 800 vụ bạo lực làm 5 người chết. Hơn nữa, tuy quyền hành nằm trong tay tổng thống, nhưng quyền lực đó chỉ có thể thực thi đầy đủ nếu được đa số thành viên quốc hội ủng hộ.

Vực dậy nền kinh tế cũng là một thách thức đối với Tổng thống Rajapaksa. Mục tiêu tham vọng của ông Rajapaksa là trong nhiệm kỳ này sẽ tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người từ 2.000 USD lên 4.000 USD, phấn đấu đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 8%/năm và đưa Sri Lanka trở thành trung tâm hàng không, hải quân, tài chính và tri thức của châu Á. Ông Rajapaksa còn cam kết ngăn chặn tham nhũng, tăng lương cho công chức. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng các mục tiêu trên khó thực hiện được khi thâm hụt ngân sách ở nước này tăng cao, chiếm khoảng 7% GDP năm 2009, trong khi nợ công lớn hơn 80% GDP. Cuộc nội chiến dai dẳng cũng khiến cơ sở hạ tầng ở quốc gia Nam Á có hơn 20 triệu dân này xuống cấp nghiêm trọng.

N. KIỆT
(Theo THX, AP, Bloomberg)

Tổng thống Mahinda Rajapaksa. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết