19/10/2016 - 10:18

Tàu chiến Mỹ sẽ đến New Zealand sau hơn 30 năm

Chính phủ New Zealand ngày 17-10 thông báo chuyến thăm đầu tiên của một tàu Hải quân Mỹ tới nước này kể từ khi quan hệ hai nước rạn nứt liên quan lập trường phi hạt nhân của Wellington cách đây 32 năm. Đây là sự kiện được báo giới phương Tây nhận định là có thể giúp "phá vỡ rào cản cuối cùng" đối với hiệp ước phòng thủ ba bên ANZUS (bao gồm Úc, New Zealand và Mỹ).

Dự kiến, khu trục hạm lớp Arleigh Burke trang bị tên lửa dẫn đường USS Sampson sẽ cập cảng Auckland để tham dự lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập lực lượng Hải quân Hoàng gia New Zealand, từ ngày 17 đến ngày 22-11. Theo luật phi hạt nhân của New Zealand, Thủ tướng chỉ chấp thuận tàu quân sự nước ngoài hoạt động trong vùng biển New Zealand nếu thỏa mãn điều kiện không phải là tàu hạt nhân hoặc trang bị vũ khí năng lượng nguyên tử. Và trong tuyên bố hôm 17-10, lãnh đạo New Zealand khẳng định đã phê chuẩn cho tàu chiến Mỹ sau khi cẩn trọng xem xét ý kiến từ Văn phòng Thủ tướng và Nội các, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Ngoại trưởng nước này.

Khu trục hạm USS Sampson sẽ là tàu chiến Mỹ đầu tiên cập cảng New Zealand sau 32 năm. Ảnh: US Navy

Theo nhận định của giới quan sát, chuyến viếng thăm của tàu USS Sampson đã chấm dứt bế tắc kéo dài hơn 30 năm qua giữa Mỹ và New Zealand liên quan chính sách phi hạt nhân của quốc gia Nam Thái Bình Dương. Nhiều người còn cho rằng hai bên có khả năng sẽ nối lại quan hệ trong khối quân sự ANZUS vốn bị đóng băng từ năm 1986.

Được biết, Mỹ, Úc và New Zealand chính thức ký hiệp ước ANZUS vào năm 1951 và chuyển thành khối quân sự vào năm 1952. Mục tiêu là hợp tác phòng thủ trước các cuộc tấn công trên Thái Bình Dương và rộng ra là trên toàn cầu. Vào giữa những năm 1980, chính phủ Công đảng New Zealand đã đề ra chính sách cấm tàu hạt nhân hoặc tàu trang bị vũ khí năng lượng nguyên tử đi vào vùng biển nước này. Vào thời điểm đó, Hải quân Mỹ không thừa nhận nhưng cũng không phủ nhận có tàu hạt nhân của mình ở cảng của New Zealand hay không. Tranh cãi giữa hai nước bùng phát vào năm 1984 và leo thang thành căng thẳng vào năm 1985 khi chính phủ New Zealand từ chối không cho một tàu khu trục Mỹ đến thăm.

Sau thời gian bế tắc, phía Mỹ đã đình chỉ hiệp ước ANZUS với Wellington cho đến khi tàu của Hải quân Mỹ được phép cập cảng New Zealand trở lại. Đồng thời, Washington cũng trả đũa bằng việc đóng băng quan hệ quân sự với New Zealand. Nhưng đến năm 2003, quan hệ hai nước bắt đầu ấm lên khi Wellington ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tại Afghanistan và gửi quân giúp đào tạo lực lượng vũ trang ở Iraq.

Trong tuyên bố hôm 17-10, Thủ tướng New Zealand John Key cho biết Wellington hoan nghênh sự hiện diện của tàu Mỹ USS Sampson trong hoạt động Thao diễn Hải quân Quốc tế nhân lễ kỷ niệm. Ông Key cũng nhấn mạnh chuyến thăm này cho thấy Mỹ và New Zealand đã gạt bỏ được bất đồng xung quanh chính sách hạt nhân, đồng thời phản ánh chiều sâu trong mối quan hệ song phương.

Được biết, New Zealand tuy đình chỉ với Mỹ nhưng hiệp ước ANZUS vẫn còn hiệu lực giữa nước này và Úc. Trước nay, Canberra là bên duy nhất duy trì nghĩa vụ theo hiệp ước với 2 nước còn lại và hoạt động lâu nay của khối quân sự này chủ yếu diễn ra giữa hai nước Mỹ-Úc. Vì vậy, giới phân tích nhận định việc nối lại hoạt động đầy đủ của khối quân sự ANZUS sẽ là quyết định mang tính chiến lược – đặc biệt đối với chính sách "xoay trục" sang châu Á của Mỹ trong bối cảnh an ninh khu vực có nhiều biến động như hiện nay.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết