23/06/2019 - 13:47

Tăng cường khả năng chống chịu cho thành phố Cần Thơ 

Sau hơn 2 năm triển khai nghiên cứu và xây dựng, mới đây TP Cần Thơ đã công bố Kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu của thành phố. Ðây cũng là kế hoạch chống chịu đô thị đầu tiên cho thành phố đang phát triển nhanh của khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu của TP Cần Thơ với tầm nhìn là thành phố ven sông xanh, bền vững, năng động, hội nhập, nơi người dân được sống an toàn, thịnh vượng và không ai bị bỏ lại phía sau.

Cần Thơ đang hướng đến thành phố ven sông xanh, bền vững.

► Những thách thức 

Cần Thơ là một thành phố năng động nằm ở trung tâm của vùng ĐBSCL. Trong quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, TP Cần Thơ đã, đang và sẽ phải đối mặt với các cú sốc và áp lực ở nhiều lĩnh vực. Các cú sốc và áp lực có xu thế ngày càng gia tăng về tần suất, cường độ và khó dự báo hơn.

Theo các chuyên gia, ở một vùng đất thấp, từ hàng trăm năm nay người dân ở Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung thường xuyên phải chịu tác động của tình trạng ngập úng. Người dân và chính quyền nơi đây đã áp dụng thành công chiến lược sống chung với lũ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tình trạng ngập úng có xu thế ngày càng phức tạp, cực đoan hơn và khó dự báo hơn dưới tác động của nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, sụt lún đất và phát triển đô thị. Điều này tạo ra nhiều thách thức cho chiến lược sống chung với lũ.

Thành phố đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như nắng nóng cực đoan, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn nước và suy thoái kinh tế. Điều này đòi hỏi thành phố phải có định hướng và giải pháp mới mang tính hệ thống, tích hợp và có khả năng ứng phó với những thách thức ở cấp địa phương, cấp vùng và toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, khái niệm khả năng chống chịu được đánh giá là một cách tiếp cận phù hợp để hỗ trợ thành phố giải quyết những vấn đề nêu trên. Cách tiếp cận này đã và đang được áp dụng ở hàng trăm thành phố trên thế giới bao gồm cả những thành phố lớn như: New York, Paris, Sydney, Rotterdam, Seoul. Đây cũng là một trong những lý do thành phố Cần Thơ quyết định tham gia Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu.

► Ðể không ai bị bỏ lại phía sau

Từ những ngày đầu khởi động Dự án “100 thành phố có khả năng chống chịu” vào tháng 12-2016, TP Cần Thơ đã quyết định lựa chọn quan điểm “làm việc cùng nhau để phát huy tối đa mọi nguồn lực” là nguyên tắc xuyên suốt của quá trình xây dựng Kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu của TP Cần Thơ.

Sau nhiều nỗ lực, đến nay, Kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu của TP Cần Thơ đến năm 2030 đã được hoàn thành. Đây là kết quả của hơn 2 năm làm việc của các đối tác có liên quan ở khu vực công, tư, cộng đồng dưới sự hướng dẫn của Văn phòng Dự án “100 thành phố có khả năng chống chịu” (Văn phòng CRO) thành phố. Kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu của TP Cần Thơ với tầm nhìn thành phố ven sông xanh, bền vững, năng động, hội nhập, nơi người dân được sống an toàn, thịnh vượng và không ai bị bỏ lại phía sau.

Kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu của TP Cần Thơ cũng đã đề ra những hành động có thể thực hiện nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến suy thoái môi trường, ngập lụt, biến đổi khí hậu, thất nghiệp và đô thị hóa không theo quy hoạch. Kế hoạch xoay quanh 4 lĩnh vực cùng một số hành động ngắn hạn và dài hạn gồm: sức khỏe và phúc lợi; hạ tầng và môi trường; kinh tế và xã hội; chiến lược, chính sách và cơ chế phối hợp.

Về sức khỏe và phúc lợi, Cần Thơ sẽ đảm bảo rằng các cư dân sẽ có thu nhập ổn định, sống trong môi trường sạch và an toàn trước các cú sốc và áp lực về kinh tế, xã hội, môi trường. Cần Thơ đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc giảm nghèo bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận việc làm và các dịch vụ cơ bản. Thành phố sẽ tiếp nối thành công này bằng cách đặt mục tiêu cung cấp các phúc lợi xã hội cho các hộ dễ bị tổn thương, thường là những gia đình không có đất ở đô thị hoặc những người phải tái định cư do các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng. Đồng thời tổ chức những khóa đào tạo, hướng dẫn xin việc, hỗ trợ tài chính phù hợp với nhu cầu của những nhóm người này và tình trạng của thị trường lao động.

Về hạ tầng và môi trường, Cần Thơ sẽ trở thành một thành phố ven sông xanh, bền vững, hiện đại, hiệu quả, linh hoạt và chống chịu với các tình huống cực đoan. Cần Thơ sẽ tìm kiếm các giải pháp nhằm hạn chế việc san lấp kênh rạch, đề xuất những quy định nhằm bảo vệ những không gian này và tạo điều kiện phát triển những không gian công cộng mới. Thành phố cũng sẽ triển khai những giải pháp mềm-như cơ sở hạ tầng xanh-để góp phần giảm ngập lụt, nắng nóng, tăng chất lượng nước bị suy giảm ở cấp cộng đồng và quy mô thành phố.

Về kinh tế và xã hội, Cần Thơ sẽ đa dạng hóa nền kinh tế bằng cách phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp và thích ứng tốt hơn trước các biến động thị trường. Về chiến lược, chính sách và cơ chế phối hợp, Cần Thơ sẽ phát triển các chính sách và kế hoạch một cách hệ thống và tích hợp giúp thành phố ứng phó với các cú sốc và áp lực. Các quy hoạch thường bị chồng chéo và đôi khi mâu thuẫn nhau, Cần Thơ hướng đến mục tiêu thực hiện Luật Quy hoạch mới, theo đó đòi hỏi việc sắp xếp hợp lý các quy hoạch đa ngành. Thành phố đang tìm cách nâng cao năng lực cho các sở, ban ngành nhằm triển khai các đánh giá, dự báo tình huống và quy hoạch đa ngành để giải quyết các cú sốc và áp lực.

Ông Vũ Cảnh Toàn, Tổ chức ISET - đơn vị tư vấn xây dựng Kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu của TP Cần Thơ, cho rằng: Cần Thơ đã và đang đối mặt với thách thức như: thiên tai, ngập úng, ô nhiễm môi trường, sụt lún đất và cả nghèo đói, các vấn đề xã hội, việc làm, sinh kế… Thời gian qua, các thách thức và áp lực diễn biến bất thường và phức tạp hơn. Thành phố cần thay đổi cách tiếp cận là kiểm soát, bên cạnh công trình "cứng" cần tìm các giải pháp "mềm" và cần sự chung tay đồng lòng của các bên khác nhau để tăng cường khả năng thích ứng…

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Chánh văn phòng CRO thành phố, Kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu của TP Cần Thơ, qua nhiều bước tham vấn, sản phẩm có sự đánh giá của các cơ quan liên quan, không chỉ chính quyền địa phương mà còn lấy ý kiến cộng đồng, người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia đầu ngành. Kế hoạch phân tích chi tiết, bối cảnh và tương lai của TP Cần Thơ, từ đó đưa ra những thách thức, khả năng chống chịu của thành phố. Sau khi xây dựng được Kế hoạch này, bước tiếp theo là việc triển khai thực hiện kế hoạch rất quan trọng, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các bên để nâng cao khả năng chống chịu cho thành phố.

Phát biểu tại Hội thảo công bố Kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu của TP Cần Thơ mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng nhấn mạnh: Thành phố giới thiệu Chiến lược tăng cường khả năng chống chịu của TP Cần Thơ đến với cộng đồng, chiến lược đã cung cấp cách tiếp cận mới, cách suy nghĩ mới, những hiểu biết mới để gắn kết người dân và chính quyền thành phố với mục tiêu chung vì TP Cần Thơ ngày càng mạnh mẽ hơn trước các cú sốc và áp lực của thế kỷ 21. UBND thành phố cũng kêu gọi người dân, các tổ chức, cá nhân, các đối tác trong và ngoài nước tiếp tục hợp tác và làm việc chặt chẽ với chính quyền thành phố để công tác tăng cường khả năng chống chịu được duy trì và đẩy mạnh trong nhiều năm tới. 

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết