20/03/2019 - 21:31

Tại sao nam tự sát nhiều hơn nữ? 

Ở nhiều nước trên thế giới, phụ nữ thường là đối tượng được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm và có ý định tự tử. Nhưng tại sao tỷ lệ tự tử ở nam giới vẫn cao hơn nữ giới nhiều lần?

Nam giới ít tìm đến chuyên gia khi gặp vấn đề tâm thần. Ảnh: BBC

Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có 793.000 vụ tự sát trên toàn cầu và đa số là nam giới. Dữ liệu còn cho thấy gần 40% số quốc gia có tỷ lệ tự sát cao hơn 15 vụ /100.000 nam giới, trong khi chỉ 1,5% các nước có tỷ lệ tự tử cao như vậy ở phụ nữ. Tại Anh, mặc dù tỷ lệ tự tử của nam đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1981 - 15,5 vụ/100.000 người, nhưng vẫn cao hơn nhiều lần so với 4,9 vụ/100.000 người ở phụ nữ. Điều này tương tự ở nhiều nước khác. So với nữ giới, nguy cơ tự sát của nam giới tại Úc cao gấp 3 lần, tại Mỹ 3,5 lần, tại Nga và Argentina lên tới 4 lần.

Theo các chuyên gia, một yếu tố quan trọng khiến đàn ông có ý định tự tử cao hơn phụ nữ là giao tiếp. Trong khi các chị em sẵn sàng mở lòng chia sẻ những vấn đề của họ, thì nam giới có xu hướng kiềm nén chúng. Suốt nhiều thế hệ, nam giới thường được khuyến khích phải trở nên “mạnh mẽ” và không thừa nhận gặp khó khăn. Điều này bắt đầu ngay từ thời thơ ấu. Mặt khác, Mara Grunau - Giám đốc điều hành tại Trung tâm phòng chống tự tử ở Canada, cho hay cách cha mẹ nói chuyện với con và cách khuyến khích con nói về bản thân cũng ảnh hưởng đến nguy cơ tự tử. “Các bà mẹ thường nói chuyện với con gái nhiều hơn con trai... Họ chia sẻ và nhận biết cảm xúc con gái nhiều hơn so với con trai”- chuyên gia Grunau nói thêm.

Bên cạnh đó, nam giới còn cũng kín đáo hơn phụ nữ khi đi khám bác sĩ. “Đàn ông thường ít tìm kiếm sự giúp đỡ về sức khỏe tâm thần hơn phụ nữ. Theo chuyên gia tâm lý người Mỹ Jill Harkavy-Friedman, điều này không phải là vì họ không gặp những vấn đề giống như phụ nữ, mà vì họ ít biết rằng mình đang gặp vấn đề căng thẳng tinh thần hay mắc bệnh tâm thần khiến họ có nguy cơ tự tử cao hơn.

Nguy hiểm hơn là thay vì tìm sự giúp đỡ qua các kênh có uy tín (như gia đình, bạn bè, chuyên gia y tế), một số lại cố tự điều trị cho bản thân. Khuynh hướng này dễ đẩy nam giới tới việc sử dụng rượu bia để thể hiện cảm xúc. Nhưng việc uống rượu có thể làm trầm cảm nặng thêm, làm tăng các hành vi bốc đồng và nghiện rượu - một yếu tố nguy cơ của tự tử.

Ngoài bản thân, các yếu tố nguy cơ khác dẫn tới tự tử ở nam giới có thể liên quan đến gia đình hoặc công việc. Thí dụ, suy thoái kinh tế thường làm tăng nguy cơ tự tử. Một nghiên cứu hồi năm 2015 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng 1% thì tỷ lệ tự tử cũng tăng 0,79%. Một yếu tố rủi ro khác là cảm giác cô lập trong xã hội, điều từng được bác sĩ Thomas Joiner đề cập trong quyển sách “Vì sao người ta chết vì tự tử”. Song, chúng ta cần nhớ rằng mặc dù yếu tố bên ngoài có thể thúc giục hành vi tự sát ở một người, nhưng tự sát không bao giờ chỉ đến từ một nguyên nhân duy nhất.

Tuy vẫn chưa có giải pháp dễ dàng cho vấn đề phức tạp nói trên, nhưng đã có nhiều chương trình, chính sách và tổ chức phi lợi nhuận đang nỗ lực ngăn chặn tự sát.

Công nghệ cũng mang đến các giải pháp mới cho người có nguy cơ tự tử. Theo đó, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cho phép một người dễ bị tổn thương giao tiếp và nhận sự giúp đỡ cần thiết mà không ngại bị người khác đánh giá.

AN NHIÊN (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
tự sát