17/11/2021 - 09:39

Tác hại của việc hít khói thuốc lá thụ động 

Phụ nữ và trẻ em thường chịu tác hại nặng nề của khói thuốc lá nếu người chồng, người cha trong gia đình có thói quen hút thuốc lá. Việc hút thuốc lá thụ động có thể dẫn đến rất nhiều bệnh lý, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe. Trong gia đình có người chồng hút thuốc lá thì phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư phổi tăng khoảng 30% so với trong gia đình không có người hút thuốc lá.

Ảnh minh họa: Khói thuốc lá ảnh hưởng đến thể chất và trí não của trẻ. Trong ảnh: Bác sĩ BV Nhi đồng TP Cần Thơ tư vấn cho trẻ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần vận động.

Ảnh minh họa: Khói thuốc lá ảnh hưởng đến thể chất và trí não của trẻ. Trong ảnh: Bác sĩ BV Nhi đồng TP Cần Thơ tư vấn cho trẻ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần vận động.

Các công ty sản xuất thuốc lá đều công bố thành phần hơn 7.000 loại hóa chất trong khói thuốc. Trong đó, có hơn 70 loại độc hại, với những thành phần điển hình như: nicotine, carbon monoxide, xyanua, chì…, tác nhân chính dẫn đến bệnh ung thư và tim mạch, hô hấp và nhiều bệnh lý gây tàn tật, tử vong. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, hút thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe người dùng mà việc hít thuốc lá thụ động cũng chịu tác hại không kém, nhất là đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Khoảng 15 triệu người hút thuốc lá và 33 triệu người hít phải khói thuốc thụ động. Các chuyên gia sản khoa cho biết, mẹ bầu dù chủ động hay bị động hít phải khói thuốc lá, những chất độc hại có thể theo máu và truyền cho thai nhi, dẫn đến các khuyết tật và dị dạng bẩm sinh thai. Hút thuốc lá thụ động là nguyên nhân hàng đầu gây sảy thai sớm, đẻ non, thai lưu và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Mẹ bầu hít khói thuốc lá thường xuyên trong thai kỳ có nguy cơ sinh trẻ có cân nặng thấp. Em bé có mẹ khi mang thai tiếp xúc với khói thuốc sau khi sinh có phổi yếu hơn những em bé khác, dễ bị viêm đường hô hấp cấp tính, ảnh hưởng xấu đến phát triển chức năng phổi. Giai đoạn nuôi trẻ sơ sinh, các bà mẹ được khuyến cáo nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ; tuy nhiên, khi bà mẹ tiếp xúc hàng ngày với khói thuốc lá, sữa mẹ có thể chứa nicotine, ảnh hưởng đến sức khỏe của con.

Nếu thường xuyên sống chung với khói thuốc lá, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn và một số bệnh hô hấp mạn tính. Trẻ cũng bị viêm tai mạn tính, tiết dịch tai giữa, có thể dẫn đến điếc. Chất nicotine trong khói thuốc có thể dẫn đến các triệu chứng khó thở gây đột tử ở trẻ. Thuốc lá cũng gây tác hại trực tiếp đối với hệ thần kinh, vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện. Từ đó, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kỹ năng lập luận, nhận thức ở trẻ; làm giảm trí nhớ và gây các rắc rồi về hành vi.

Những trẻ có cha mẹ, người thân hút thuốc, khi lớn lên có nhiều khả năng cũng sẽ hút thuốc. Vì vậy, để bảo vệ môi trường sống của trẻ nhỏ, giúp trẻ phát triển bình thường và khỏe mạnh, người thân không nên hút thuốc lá trong nhà, nơi làm việc; không hút thuốc lá trước mặt trẻ em; không hút thuốc lá nơi công cộng. Mỗi người nên ý thức không hút thuốc lá và nhắc nhở nếu thấy người khác hút thuốc. Phụ nữ mang thai cũng cần lên tiếng bảo vệ sức khỏe bản thân trước khói thuốc lá của những người xung quanh. Tuy nhiên, việc cai nghiện thuốc lá thường gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi ý chí quyết tâm của người hút thuốc, ý thức được tác hại của thuốc lá đối với bản thân và người thân yêu. Bên cạnh đó, người thân không nên kỳ thị người hút thuốc lá mà cần động viên, hỗ trợ tinh thần cho người muốn từ bỏ thuốc lá. Quá trình cai thuốc lá, nếu gặp khó khăn, có thể liên hệ đến Tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí 1800 6606 để được các chuyên gia đồng hành.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết