09/02/2012 - 08:51

Syrie không dễ là "Libye thứ hai"

Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Syrie al-Assad hôm 7-2. Ảnh: AFP

Giới phân tích phương Tây cho rằng chuyến thăm Syrie của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Giám đốc tình báo hải ngoại Mikhail Y. Fradkov ngày 7-2 là nhằm tìm cách tăng cường sự hỗ trợ của Mát-xcơ-va đối với chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Tổng thống al-Assad mong muốn hòa bình

Sau chuyến thăm Damas hôm 7-2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố ông đã có cuộc nói chuyện rất tích cực với giới lãnh đạo Syrie, trong đó Tổng thống al-Assad cam kết chấm dứt hoàn toàn tình trạng bạo lực và chuẩn bị cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp. Theo Ngoại trưởng Nga Lavrov, ông al-Assad mong muốn tiếp tục tiến trình đối thoại hòa bình với tất cả các phe phái chính trị đối lập trong khuôn khổ của kế hoạch do Liên đoàn A-rập (AL) đề xuất nhằm ổn định tình hình Syrie.

Tuy nhiên, Walid al-Bunni, một thành viên cấp cao của Hội đồng Dân tộc Syrie đối lập, cho rằng ông Lavrov không đưa ra được sáng kiến gì mới để giải quyết cuộc khủng hoảng và rằng những cam kết cải cách trước đây của ông al-Assad như đối thoại, thả tù nhân chính trị và rút quân đội ra khỏi các trung tâm đô thị có đông người biểu tình là chưa đủ. Ông này nói ông al-Assad nhất định phải ra đi.

Theo tờ Le Figaro (Pháp), Nga thật sự khó làm trung gian hòa giải cho Syrie vì phe đối lập không tin tưởng vào vai trò độc lập của Mát-xcơ-va, bởi lâu nay Nga vẫn được coi là đồng minh của chính quyền al-Assad. Nga đã từng mời các thủ lĩnh phe đối lập Syrie đến Mát-xcơ-va, nhưng kết quả cho thấy lập trường của hai bên quá khác xa nhau.

Thế yếu của phe đối lập

Theo Le Figaro, Nga đang tăng cường hỗ trợ tư vấn quân sự và tình báo giúp lực lượng an ninh Syrie đẩy lui tổ chức tự xưng là Quân đội Syrie Tự do (FSA), một đội quân nhỏ lẻ mà đa số từ những binh sĩ đào ngũ được trang bị yếu kém. Sự có mặt của Giám đốc tình báo Mikhail Y. Frodkov tại Damas có thể cho phép Nga mở lại căn cứ do thám trên núi Kassioun bao phủ Thủ đô Damas.

Hãng tin Mỹ CNN ngày 8-2 cho rằng phương Tây không dễ dàng áp đặt các biện pháp cô lập và can thiệp quân sự ở Syrie như tại Libye. Trước sự hậu thuẫn quân sự tuyệt đối của Nga đối với Damas, phương Tây khó dựa vào các cứ điểm hậu cần của các nước láng giềng Syrie. Iraq và Liban đang đối mặt với xung đột sắc tộc không thể cho phép điều này xảy ra. Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng không dám mạo hiểm. Hơn nữa, vùng biên giới phía Bắc của Syrie giáp Thổ Nhĩ Kỳ là khu vực đồi núi hiểm trở.

Lực lượng vũ trang nổi dậy ở Syrie cũng không có được thành trì vững chắc, mà chỉ dựa vào một số khu vực không ổn định, đáng kể nhất là tại thành phố miền Tây Homs, nơi đã bị quân đội Syrie mạnh tay trấn áp. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2008, cho rằng đã đến lúc Washington nên cân nhắc cung cấp vũ khí cho phe đối lập, giải pháp mà ông lập luận là “để chấm dứt ngay tình trạng đổ máu”. Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố Chính phủ Mỹ hiện loại trừ khả năng cung cấp vũ khí cho phe đối lập tại Syrie, thay vào đó đang thảo luận với các đồng minh về cách thức hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syrie. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng cho rằng “thêm vũ khí vào Syrie không phải là lời đáp cho khủng hoảng”. Theo bà Nuland, Syrie cần một cuộc đối thoại dân chủ toàn quốc để chấm dứt bạo lực.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Syrie al-Assad hôm 7-2. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết