09/01/2010 - 09:41

Sóng gió trên chính trường Anh

Ngày 7-1, Ngoại trưởng Anh David Miliband cuối cùng cũng tuyên bố không ủng hộ quan điểm bỏ phiếu tín nhiệm bí mật về tư cách lãnh đạo của Thủ tướng Gordon Brown, kết thúc 24 giờ bất ổn trên chính trường. Tuy nhiên, Thủ tướng Brown cũng phải trả giá cao sau khi đồng ý nhượng bộ các Bộ trưởng chủ chốt để tranh thủ sự ủng hộ của họ.

Ngày 6-1, hai cựu bộ trưởng Quốc phòng Geoff Hoon và Y tế Patricia Hewitt đã bất ngờ đề nghị tiến hành bỏ phiếu bí mật về vai trò lãnh đạo của ông Brown, vì quan ngại về viễn cảnh của Công đảng trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 3-6 tới. Họ cho rằng ông Brown đã phạm sai lầm chiến thuật và không gắn kết với công chúng. Những người âm mưu “đảo chính” (từ dùng của báo chí Anh) tin là sẽ có ít nhất 6 bộ trưởng nội các sẵn sàng buộc ông Brown từ chức, gồm Ngoại trưởng David Miliband, Phó Chủ tịch Công đảng Harriet Harman, Bộ trưởng Tư pháp Jack Straw, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Douglas Alexander, Bộ trưởng Quốc phòng Bob Ainsworth và Bộ trưởng về Scotland Jim Murphy.

Tuy nhiên, Thủ tướng Brown đã phản đòn khi có cuộc gặp với 3 nhân vật chủ chốt là Ngoại trưởng Miliband, Bộ trưởng Kinh doanh Peter Mandelson và Bộ trưởng Nội vụ Alan Johnson. Và 3 nhân vật này đã công khai ủng hộ thủ tướng. Ông Johnson cho rằng ông Brown là người tốt nhất để lãnh đạo Công đảng. Bộ trưởng Straw phản đối kế hoạch hạ bệ ông Brown khi tuyên bố việc này rất sai lầm. Ông Murphy cũng bác bỏ cáo buộc thông đồng và cho đó là việc làm lố bịch. Tuy chần chừ, nhưng cuối cùng Ngoại trưởng Miliband tuyên bố ủng hộ thủ tướng. Hãng tin Anh BBC viết: “Cuộc đảo chính bị hủy vì thiếu “lực lượng áp đảo” cần thiết để buộc ông Brown rời khỏi Số 10 phố
Downing”.

Thủ tướng Brown (trái) và Ngoại trưởng Miliband, bằng mặt nhưng không hoàn toàn bằng lòng. Ảnh: Reuters 

Theo tiết lộ của báo giới Anh, để nhận được sự ủng hộ các bộ trưởng, ông Brown buộc phải có một vài nhượng bộ. Phó Chủ tịch Công đảng Harman đã yêu cầu và nhận được cam kết từ ông Brown là ông sẽ có quyền kiểm soát hàng ngày chiến dịch bầu cử sắp tới. Bộ trưởng Tư pháp Jack Straw thì đòi ông Brown cho ông nhiều quyền hơn nhằm tranh thủ sự ủng hộ ở khu vực quan trọng của Công đảng. Còn Bộ trưởng Tài chính Alistair Darling đề nghị Thủ tướng thành thật hơn về việc cắt giảm chi tiêu công cần thiết để bù vào mức thâm hụt ngân sách kỷ lục của Anh.

Bên cạnh đó, việc Ngoại trưởng Miliband chậm đưa ra quan điểm cũng cho thấy sự khiên cưỡng trong tuyên bố của ông. Theo các nhà phân tích, ông Miliband đã chờ đợi cho đến khi nhận thấy cuộc đảo chính đã thật sự thất bại.

Nỗ lực phế truất Thủ tướng Brown lần thứ ba kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2007 cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Công đảng, chỉ vài tháng trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử. Sự kiện bất hòa mới nhất này càng làm Công đảng thêm khó, khi lợi thế vốn đang nghiên về đảng Bảo thủ. Khảo sát của YouGov hôm 8-1 cho thấy đảng Bảo thủ hiện giành được 42%, trong khi Công đảng giảm xuống còn 30%. Trong khi đó, Ngoại trưởng Miliband, vốn được xem là người có thể thay thế ông Brown lãnh đạo Công đảng, bị cả đồng minh và đối thủ trong nội bộ đảng chỉ trích vì đã không buộc ông Brown từ chức hoặc ủng hộ Thủ tướng hoàn toàn.

N. MINH
(Theo Guardian, The Times, Reuters)

N. MINH (Theo Guardian, The Times, Reuters)

Chia sẻ bài viết