28/09/2020 - 09:23

Số phận nào cho “Con đường tơ lụa số” tại Balkan? 

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Thủ tướng Kosovo Avdullah Hoti mới đây đã ký kết thỏa thuận bình thường hóa kinh tế trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thỏa thuận này được cho có thể chấm dứt sự hiện diện mạnh mẽ của Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei ở Serbia.

Tổng thống Serbia Vucic (trái) và Thủ tướng Kosovo Hoti (phải) ký thỏa thuận bình thường hóa kinh tế. Ảnh: The Diplomat

Tuy không đề cập đến Trung Quốc nhưng một trong những điều khoản của thỏa thuận nêu rõ: “Cả 2 bên sẽ cấm sử dụng thiết bị 5G do các nhà cung cấp không đáng tin cậy sản xuất. Dù không xác định được đâu là “nhà cung cấp không đáng tin cậy” nhưng cụm từ này rõ ràng ám chỉ Huawei, vốn có quan hệ đối tác với Serbia. Do đó, số phận của “gã khổng lồ” công nghệ này của Trung Quốc ở Serbia là không chắc chắn và phụ thuộc vào chính sách của Washington đối với Belgrade.

Trong thập kỷ qua, sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng Balkan ngày càng gia tăng. Trung Quốc rất xem trọng quan hệ đối tác với Serbia, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Nhờ đó, Huawei đã thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ ở Serbia, giúp nước này giữ vị trí đặc biệt trong “Con đường tơ lụa số”. Mới đây, Bộ Nội vụ Serbia đã chọn Huawei làm đối tác cho dự án “Thành phố an toàn”. Theo đó, 1.000 camera giám sát do Huawei sản xuất được trang bị phần mềm nhận dạng khuôn mặt và biển số xe sẽ được lắp đặt trên khắp thủ đô Belgrade. Theo tờ The Diplomat, khi thực hiện dự án này, Bộ Nội vụ Serbia cũng sẽ lắp đặt eLTE - hệ thống băng thông rộng không dây tiên tiến do Huawei cung cấp.

Trước đó, Bộ Tài chính Serbia năm 2018 đã ký thỏa thuận mua hệ thống giám sát giao thông của Huawei. Công ty công nghệ này cũng là đối tác của Serbia trong dự án “Thành phố thông minh”, được lên kế hoạch cho Belgrade và Novi Sad. Hồi tháng 3 vừa qua, Huawei cũng giúp thành phố Kragujevac phát triển trung tâm dữ liệu và hiện có kế hoạch xây dựng tại đây một trung tâm dữ liệu dành cho khu vực Nam Âu và Ðông Âu, tham vọng biến nó thành trung tâm dữ liệu khu vực thứ ba của Huawei ở châu Âu, sau các trung tâm ở Hà Lan và Ðức. Ngoài ra, Công ty viễn thông Telekom Srbija của Serbia còn bắt tay với Huawei triển khai dự án thành lập mạng Internet băng thông rộng tốc độ cao trị giá 177 triệu USD, có thể làm bàn đạp cho mạng 5G trong tương lai ở Serbia. Trong khi đó, Hãng viễn thông tư nhân Telenor Serbia cũng có quan hệ đối tác với Huawei. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Bộ trưởng Ðổi mới và Phát triển Công nghệ Serbia Nenad Popovic hồi tháng 5 cho biết “Huawei sẽ ở lại Serbia trong một thời gian dài”.

Tuy nhiên, các dự án hợp tác trên đang gặp thách thức khi Mỹ đưa Huawei vào tầm ngắm. Hồi tháng 5-2019, Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Huawei, cấm các công ty xứ cờ hoa bán công nghệ cho công ty này. Sau khi Anh, đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu, cấm Huawei tham gia vào mạng 5G xứ sương mù, Tổng thống Trump đang gây sức ép buộc các đồng minh châu Âu khác phải làm điều tương tự. Tháng 8 vừa qua, chính quyền Trump yêu cầu các nhà sản xuất trên toàn cầu không được sử dụng công nghệ và phần mềm Mỹ sản xuất thiết bị bán dẫn cho Huawei. Vì vậy, giới phân tích cho rằng sớm muộn gì quan hệ giữa Serbia với Trung Quốc cũng sẽ rơi vào tầm ngắm của Washington.

Dẫu vậy, sẽ không dễ dàng để Serbia từ bỏ quan hệ đối tác với Huawei, bởi quyết định loại bỏ Huawei khỏi hệ thống viễn thông sẽ khiến Serbia tổn thất hơn 2,54 tỉ USD, chưa kể số tiền Belgrade đền bù hợp đồng cho Huawei. Do đó, Serbia đang rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Trong cuộc gặp với Ðại sứ Trung Quốc tại Serbia Chen Bo mới đây, Tổng thống Vucic cho biết thỏa thuận bình thường hóa kinh tế với Kosovo sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ đối tác giữa Serbia với Trung Quốc, kể cả trong lĩnh vực viễn thông. Song, nếu Washington quyết tâm triệt hạ Huawei bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế thì quan hệ đối tác công nghệ giữa Belgrade với Huawei sẽ chết và tuyến Balkan trong “Con đường tơ lụa số” của Trung Quốc cũng cùng chung số phận.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết