02/03/2012 - 21:51

Serbia tiến gần hơn tới EU

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (phải) đón Tổng thống Serbia Boris Tadic tại trụ sở EU ở Brussels ngày 28-2. Ảnh: AP

Con đường của Serbia tìm tới “Mái nhà chung châu Âu” đã thuận lợi hơn, sau khi lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham dự Hội nghị thượng đỉnh mùa Xuân tại Brussels (Bỉ) hôm 1-3 nhất trí rằng Belgrade đã hội đủ điều kiện để trở thành “ứng viên chính thức” gia nhập liên minh này.

Quyết định công nhận tư cách ứng viên cho Serbia, được công bố bởi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, đánh dấu một cột mốc lịch sử kể từ khi nước này nộp đơn xin gia nhập EU năm 2009.

Nhiều năm qua, nỗ lực gia nhập EU của Serbia bị cản trở bởi cuộc truy lùng Tướng Ratko Mladic, cựu chỉ huy quân đội người Serbia ở Bosnia, người bị cáo buộc tội diệt chủng, các tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh trong cuộc chiến Bosnia năm 1992-1995. Trở ngại này được xóa bỏ hồi năm ngoái sau khi ông Mladic bị bắt và đưa ra xét xử tại tòa án quốc tế ở La Haye (Hà Lan). Ngoài vấn đề trên, giải quyết tranh chấp với Kosovo nhằm tránh xảy ra một cuộc chiến tranh cũng là điều kiện mà EU đặt ra cho Serbia trước khi được công nhận tư cách ứng viên của khối.

Các nhà lãnh đạo 25 trong số 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 2-3 đã ký Hiệp ước ngân sách mới của EU. Hai nước thành viên EU là Anh và CH Czech không ký văn kiện này vì lo ngại hiệp ước mới trao quá nhiều thẩm quyền cho Ủy ban châu Âu (EC) can thiệp vào chính sách kinh tế của các nước này. Hiệp ước mới, có tên gọi đầy đủ là Hiệp ước về ổn định, phối hợp và quản lý trong Liên minh tiền tệ và kinh tế, được coi là nền tảng để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài hai năm nay, dẫn tới các gói cứu trợ bắt buộc khổng lồ cho Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland. Để hiệp ước ngân sách mới chính thức có hiệu lực, trong những tháng tới, 25 nước EU đã ký hiệp ước cần phải phê chuẩn văn kiện này. Hiện chỉ có Ireland tuyên bố sẽ đưa hiệp ước ra trưng cầu ý dân. Dự kiến, các nước còn lại sẽ đưa ra quốc hội để xem xét thông qua hiệp ước.

TTXVN

Dù kiên quyết từ chối công nhận nền độc lập của Kosovo, khu vực ly khai khỏi Serbia năm 2008, nhưng cách đây một năm, chính quyền Belgrade đã gia nhập cuộc đối thoại do EU bảo trợ nhằm xoa dịu căng thẳng cũng như giải quyết những vấn đề gây đau đầu liên quan đến tranh chấp biên giới, như đường sá và mạng lưới thông tin liên lạc bị chia cắt. Tuần trước, cuộc đàm phán giữa Serbia và Kosovo đã đạt được một bước đột phá lớn, theo đó Belgrade đã đồng ý để chính quyền Pristina tham gia các cuộc họp cấp vùng cũng như ký các thỏa thuận quốc tế giống như các quốc gia độc lập khác. Serbia và Kosovo cũng đồng ý phối hợp kiểm soát điểm nóng ở biên giới, nơi nhiều tháng qua thường xuyên xảy ra các vụ đụng độ giữa các binh sĩ gìn giữ hòa bình thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với cộng đồng người Serbia ở miền Bắc Kosovo vốn không muốn Kosovo độc lập.

Mặc dù đã được công nhận tư cách ứng viên gia nhập EU, nhưng với Serbia, đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trên con đường trở thành thành viên đầy đủ của khối. Trong những tháng tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đánh giá lại sự cải thiện trong quan hệ của Serbia đối với Kosovo và nhiều yếu tố khác để quyết định (có lẽ là trong tháng 10) liệu nước này có sẵn sàng cho các cuộc đàm phán gia nhập EU hay không.

THANH TRÚC
(Theo AFP, USA Today, Reuters)

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (phải) đón Tổng thống Serbia Boris Tadic tại trụ sở EU ở Brussels ngày 28-2. 

Chia sẻ bài viết