08/12/2015 - 21:11

Sáng kiến độc đáo của anh Cao Phát Triển

Sau nhiều ngày trăn trở và thử nghiệm, anh Cao Phát Triển, khu vực Thới Xuân I, phường Thới Long, quận Ô Môn đã nghiên cứu và ứng dụng thành công tiến bộ của khoa học - kỹ thuật để tạo ra hệ thống phun nước và phun xịt tự động độc đáo có tính năng điều khiển bằng điện thoại di động thông minh. Với hệ thống hiện đại này, nhà vườn chủ động tưới nước hay phun xịt "từ xa" cho vườn cây ở mọi lúc mọi nơi, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất cho vườn cây ăn trái.

Kể về ý tưởng hình thành hệ thống phun nước tự động, anh Cao Phát Triển hào hứng, nói: "Với diện tích hơn 8.000 m2 vườn cây ăn trái, tôi phải mất cả ngày mới bơm tưới nước xong, còn phun xịt hay bón phân phải thuê từ 2-3 nhân công làm mới xuể… Như vậy vừa làm tăng chi phí mà hiệu quả lại không cao, vừa phải tốn nhiều công lao động, nhất là vào mùa khô ngày nào tôi cũng phải vất vả lội mương vác từng ống nước tưới cây cơ cực lắm". Từ thực tế đó, anh Cao Phát Triển đã nung nấu ý tưởng cần phải áp dụng kỹ thuật hiện đại thay thế cách làm thủ công để nhà vườn không còn lệ thuộc thời tiết hay nhân công lao động khi vào vụ sản xuất chính. Nhưng bắt đầu từ đâu và như thế nào?". Để ý tưởng thành hiện thực, anh Triển bắt đầu đọc sách và lên mạng internet tìm hiểu tất cả thông tin về việc lắp đặt hệ thống tưới nước tự động và nghiên cứu thực tế mảnh đất vườn của mình. Sau đó, anh Triển tự tay thiết kế bản vẽ và mua vật tư về làm hệ thống phun nước tự động cho vườn cây ăn trái của mình. Hệ thống tưới nước tự động được thiết kế theo mô hình kết nối các ống nhựa dọc theo các hàng cây trồng và gắn với hệ thống ống chính được nối với máy bơm nước tại mương chính. Sau khi bật hệ thống điện, máy bơm sẽ đẩy nước từ ống chính chạy dọc theo hệ thống ống nối đến các trục tưới rồi lan tỏa ra đồng đều làm ướt từ gốc đến ngọn cây. Nhờ đó, lượng nước tưới được thẩm thấu để giữ ẩm cho đất, giúp cây trồng hấp thụ nước tốt, tránh tình trạng thiếu nước, nhất là vào mùa khô nên khá phù hợp cho các loại cây ăn trái có múi, đặc biệt là quýt hồng. Điểm đặc biệt của hệ thống phun nước tự động này là nhà vườn có thể điều khiển việc tưới tiêu bằng điện thoại thông minh dễ dàng thông qua kết nối của con chíp điện từ được lắp đặt tại trạm bơm với phần mềm điều khiển trên điện thoại di động. Do đó, khi muốn phun nước tưới tiêu cho vườn cây, chủ vườn chỉ cần thao tác trực tiếp trên điện thoại là có thể điều khiển hệ thống phun nước dù ở xa vườn cây ăn trái của mình hàng trăm cây số.

 Anh Cao Phát Triển (bìa phải) phần khởi “khoe” hiệu quả đạt được của vườn quýt hồng với cán bộ bảo vệ thực vật của quận Ô Môn sau khi anh ứng dụng thành công 2 mô hình phun nước và phun xịt tự động.

Không chỉ dừng lại với sáng chế hệ thống phun nước tự động, năm 2014, anh Triển còn nghiên cứu và sáng chế ra mô hình phun xịt tự động chuyên để tưới phân, thuốc cho vườn cây ăn trái. Trên diện tích 8.000 m2, anh Triển đầu tư lắp đặt khoảng 400 béc phun và 1 mô tơ điện khoảng 3 mã lực dùng để bơm nước từ mương vào trục ống chính của bồn chứa nước. Hệ thống phun xịt tự động được gắn thêm một trục quay chuyên dùng để pha thuốc hoặc phân bón trong bồn chứa nước. Điểm khác biệt giữa hệ thống phun xịt với hệ thống tưới nước là đường ống dẫn phân, thuốc có tiết diện nhỏ hơn, giúp tiết kiệm lượng phân thuốc khi phun xịt. Tính năng hoạt động của hệ thống này cũng giống như hệ thống phun nước tự động, thông qua bộ điều khiển ứng dụng trên điện thoại thông minh, nhà vườn có thể điều khiển việc phun xịt nhanh chóng và chính xác. Ngoài ra, ưu thế của hệ thống phun xịt tự động giúp lượng thuốc hay phân bón được lan tỏa ra đồng đều và nhất là không tạo ra âm thanh nên các loài nhện đỏ, ruồi vàng đục trái không thể phát hiện rồi bay đi nơi khác trú ẩn, sau đó trở lại gây bệnh. Nhờ đó, nhà vườn dễ dàng tiêu diệt các loại sâu bệnh hay côn trùng gây dịch bệnh trên trái quýt hồng hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng trái đồng đều, màu đẹp và bán được giá hơn, nhất là vào vụ Tết.

Anh Cao Phát Triển chia sẻ: "Hiệu quả ứng dụng mô hình phun nước và phun xịt tự động không chỉ giúp nông dân giảm công lao động, tiết kiệm chi phí tưới tiêu, phân, thuốc hay công lao động mà còn nâng cao năng suất cây trồng lên đáng kể. Trước đây, khi chưa ứng dụng các hệ thống phun xịt tự động này, với diện tích hơn 8.000 m2 vườn cây trái, ngoài chi phí xăng, dầu phun xịt phân và thuốc, tiền thuê nhân công phun xịt cho cây mất khoảng 500.000 đồng/lần. Ngoài ra, mỗi lần phun nước thủ công bằng máy nổ, nhà vườn tốn từ 3-4 lít xăng, còn tưới dầu tốn trên 2 lít. Nhưng áp dụng hệ thống phun tưới tự động, nhà vườn chỉ cần bật hệ thống điều khiển trên điện thoại di động, cả vườn cây sẽ được tưới nước đồng loạt trong vòng 10 phút và phun xịt phân, thuốc khoảng 6 phút mà không tốn đến 1.000 đồng tiền điện. Nhờ ứng dụng thành công hệ thống phun tưới tự động, anh Triển đỡ vất vả, mệt nhọc trong việc làm vườn, chủ động được thời gian tưới nước và phun xịt phân thuốc, tiết kiệm chi phí từ 45- 50 triệu đồng/năm.

Theo anh Cao Phát Triển, tùy theo điều kiện tự nhiên và hạ tầng sẵn có của chủ vườn, chi phí đầu tư cho một hệ thống tưới phun tự động mất từ 70-90 triệu đồng/ha. Dù chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống phun xịt tự động là khá lớn đối với nhà vườn, nhưng lợi ích của hệ thống phun xịt tự động giúp tiết kiệm thời gian và công sức, chi phí sản xuất, góp phần đảm bảo sức khỏe cho nhà vườn khi không phải tiếp xúc trực tiếp hóa chất khi phun xịt phân, thuốc. Nhờ áp dụng thành công 2 mô hình phun nước và phun xịt thuốc tự động vào sản xuất trên diện tích 8.000 m2, ước tính vụ quýt hồng Tết 2016, năng suất thu hoạch sẽ tăng từ 3-4 tấn so với năm trước. Theo ước tính với 3 tấn quýt được tăng thêm, giá quýt hồng từ 20.000 đồng/kg trở lên, anh Triển sẽ lãi thêm khoảng 60 triệu đồng/năm. Do đó, nếu mạnh dạn đầu tư và ứng dụng hiệu quả các mô hình phun xịt tự động, nông dân không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn có thể thu hồi vốn đầu tư trong vòng 1 năm.

Ông La Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới Long, quận Ô Môn, đánh giá: Thành quả từ sáng kiến ứng dụng khoa học và kỹ thuật vào sản xuất của "nhà nông chân đất’ như Cao Phát Triển đã mang lại hiệu quả hữu ích cho nhiều nhà vườn. Đây là mô hình sản xuất áp dụng kỹ thuật hiện đại, giúp cho nhà vườn trồng cây ăn trái chủ động tưới tiêu, không còn trông chờ trời mưa, nhất là giải quyết nỗi lo phải vất vả tưới nước thường xuyên và liên tục vào mùa khô. Khi ứng dụng mô hình này, nhà vườn có thể tưới nước hay phun xịt phân, thuốc cho hàng chục héc-ta vườn cây ăn trái cùng một lúc và có thể điều chỉnh mức độ tưới theo ý muốn. Quan trọng hơn, hiệu quả của mô hình hiện đại này còn giúp nhà vườn tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất cao gấp nhiều lần so với cách làm thủ công trước đây. Hiện tại, đã có nhiều nông dân trong và ngoài phường Thới Long áp dụng hệ thống phun tưới tự động này.

Hiện tại, anh Cao Phát Triển chưa đăng ký được quyền sở hữu trí tuệ cho sáng kiến và gặp khó khăn trong quy trình thực hiện đăng ký bảo hộ cho mô hình này. Do đó, để mô hình được nhân rộng và vươn xa, anh Cao Phát Triển rất cần sự trợ lực từ các ngành chức năng thành phố trong việc hướng dẫn về quy trình và thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho cả hai mô hình phun nước và phun xịt phân, thuốc tự động. Hy vọng, sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng sẽ tạo động lực cho những nhà sáng chế "chân đất" phát huy năng lực sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên chính mảnh đất của mình.

Bài, ảnh: Mỹ Hoa

Chia sẻ bài viết