12/03/2024 - 19:55

Sản xuất nông nghiệp thích ứng khô hạn, xâm nhập mặn 

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, tháng 3-2024, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn (XNM) ở ÐBSCL tiếp tục tăng cao, do mưa trái mùa không xuất hiện, nước thượng nguồn sông Mekong về ÐBSCL hạn chế. Khô hạn, XNM tiếp tục lấn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng sản xuất của người dân. Do đó, giải pháp ứng phó, chuyển đổi cây trồng, sản xuất thích ứng khô hạn, XNM đang cần các địa phương trong vùng thực hiện, nhằm giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra…

Rau màu được tập trung sản xuất trong mùa khô hạn ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Ứng phó khô hạn, XNM

Ông Trần Văn Tâm, ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), cho biết: "Từ Tết Nguyên đán Giáp Thìn đến nay, mực nước dưới kênh, rạch đều xuống thấp, sản xuất nông nghiệp, cây ăn trái chịu nhiều chi phí bơm tát, tích trữ nước. Do đó, ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2023-2024 xong, gia đình tôi chuyển sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày thay cho vụ lúa hè thu. Vì, mè là cây trồng sử dụng ít nước hơn lúa, hạn chế được bơm tát, giảm chi phí sản xuất trong mùa
khô hạn…".

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, ngay từ đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp thành phố đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp tình hình khô hạn, thiếu nước ngọt sản xuất. Qua đó, đến nay, diện tích cây trồng sử dụng ít nước như rau, màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày được gieo trồng là 4.581ha, trong đó đã thu hoạch 3.002ha. Diện tích đang gieo trồng 1.579ha tập trung tại huyện Cờ Ðỏ, Phong Ðiền… Sản lượng ước đạt 34.221 tấn. Riêng, rau màu gieo trồng được 3.260ha và đã thu hoạch 2.118ha; diện tích đang gieo trồng còn lại là 1.142ha tập trung tại Ô Môn, Bình Thủy, Phong Ðiền… Cây bắp đã gieo trồng được 311ha, cao hơn 12ha so với cùng kỳ năm 2023 và đã thu hoạch 199ha, diện tích đang gieo trồng 112ha tập trung tại huyện Phong Ðiền và quận Thốt Nốt... Cây đậu gieo trồng được 359ha, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 là 2ha và đã thu hoạch 279ha, diện tích đang gieo trồng 80ha tập trung tại Ô Môn. Cây công nghiệp ngắn ngày đã gieo trồng được 7ha và đã thu hoạch trên 2ha, diện tích đang gieo trồng trên 4ha. Cây ăn quả với diện tích sản xuất 25.072ha, sản lượng thu hoạch ước 223.255 tấn. Trong đó, cây xoài 3.376ha, cây chuối 976ha, sầu riêng 4.816ha, mãng cầu 847ha, mít 1.714ha, măng cụt 303ha, ổi 361ha, vú sữa 1.452ha, mận 1.792ha, cam 974ha, chanh 1.331ha, bưởi 600ha, nhãn 2.547ha, chôm chôm 366ha và cây trồng khác 3.617ha. Ngoài ra, diện tích trồng cây dừa đạt 1.326ha... Hiện nay, nguồn nước dự trữ trên ao, mương tại các địa phương đảm bảo cung cấp cho người dân sản xuất, canh tác.

Ứng phó khô hạn, thiếu nước cho sản xuất, quận Thốt Nốt triển khai kế hoạch ra quân thực hiện công tác thủy lợi mùa khô năm 2024, với tổng chiều dài 4.940m, tổng khối lượng đất nạo vét 8.192m3, tổng chi phí thực hiện trên 166 triệu đồng (do nhân dân đóng góp). Huyện Vĩnh Thạnh cũng vừa ra quân nạo vét, gia cố đồng loạt các tuyến kênh tưới, tiêu nội đồng bị bồi lắng, ách tắc, sạt lở, đồng thời kết hợp nâng cấp đê bao nhằm đảm bảo chủ động trong công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất trên địa bàn. Theo đó, khối lượng thực hiện nạo vét, khai thông kênh mương (kết hợp gia cố bờ bao) với tổng khối lượng dự kiến là 57.400m³, kinh phí thực hiện 1,435 tỉ đồng (do nhân dân đóng góp), phục vụ diện tích sản xuất nông nghiệp khép kín trên 2.900ha… Thực hiện thủy lợi mùa khô là hoạt động nhằm phát động phong trào người dân tham gia làm thủy lợi để nâng cao nhận thức, hình thành tập quán lâu dài, bền vững trong nhân dân về công tác thủy lợi và ý thức tinh thần trách nhiệm về cải tạo, nạo vét các công trình thủy lợi sau mỗi năm phục vụ sản xuất; xây dựng mô hình thủy lợi khép kín nhằm chủ động về tưới tiêu và phòng, chống úng, hạn đối với sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị vùng ven thêm sạch, đẹp, an toàn...

Vẫn còn xâm nhập mặn cao

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, những ngày đầu tháng 3-2024, tình hình xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) xuống hạ lưu sông Mekong dao động phổ biến trong khoảng 1.065m3/s, đáng chú ý Trung Quốc tiếp tục xả nước khá thấp xuống vùng hạ lưu sông Mekong - ÐBSCL. Do đó, XNM sẽ tăng cao trong giữa tháng 3 này. Dự báo từ ngày 8 đến 14-3-2024, khu vực ven Biển Ðông mặn có xu thế tăng dần, kéo dài và đạt đỉnh, ranh mặn 4g/l vào sâu trong đất liền… Ðặc biệt, việc các hồ thủy điện thượng nguồn xả nước cầm chừng như hiện nay, mặn sẽ càng tăng cao hơn trong tháng 3 này.

Vùng thượng ÐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm và có khó khăn hơn cho bơm tưới. Vùng giữa và khu vực ven biển ÐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, dự báo trong tháng 3 mặn đạt đỉnh vào các kỳ từ ngày 10 đến 13-3 và từ ngày 24 đến 26-3, với ranh mặn 4g/l có thể vào 50-60km, cách từ cửa sông. Tuy nhiên, tình hình đập thượng nguồn xả nước thấp bất thường, gió chướng mạnh lên có thể làm mặn vào sâu hơn so với dự báo từ 5-10km. Giữa tháng 3-2024 dự báo mặn có xu thế tăng cao và kéo dài từ ngày 8 đến 15-3 và đạt đỉnh trong tháng từ ngày 10 đến 13-3, có thể làm ảnh hưởng đến sản xuất và cấp nước sinh hoạt ở khu vực tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Khu vực ảnh hưởng mặn sông Cái Lớn, Cái Bé thuộc các tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang, dự báo mặn tháng 3 lên cao vào các kỳ từ ngày 15 đến 17-3, mặn 4g/l vào sâu 50-55km. Các địa phương trong vùng cần tăng cường giám sát mặn và vận hành hợp lý các công trình để đảm bảo nước cho sản xuất...

PGS.TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, nhấn mạnh: "Nguồn nước về ÐBSCL mùa khô 2023-2024 thuộc nhóm năm ít nước, XNM đã đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Mặn cao nhất có thể xảy ra ở tháng 3 với ranh giới mặn 4g/l xâm nhập khoảng 50-60km từ cửa sông. Các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong tích nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 55-70km. Các địa phương vùng ÐBSCL cần chủ động các giải pháp thích ứng với hạn hán và XNM trong năm ở điều kiện như dự báo, theo dõi cập nhật các bản tin dự báo và chủ động các kế hoạch ứng phó, nhất là nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, XNM, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024…".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết