Theo nghiên cứu mới công bố của Đại học Liên Hiệp Quốc (UNU-Nhật Bản), số lượng rác thải điện tử (e-waste) từ các thiết bị và đồ dùng điện tử đang tăng mạnh tại châu Á, đặt ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và môi trường sống tại khu vực này.
Cụ thể, sau khi nghiên cứu số lượng rác thải điện tử phát sinh ở 12 quốc gia thuộc Đông Á và Đông Nam Á, các nhà khoa học tại UNU phát hiện số lượng e-waste mà 2 khu vực này tạo ra đã tăng 63% trong giai đoạn 2010-2015. Trong đó, riêng số rác thải trong năm 2015 là 12,3 triệu tấn. Trung Quốc là nước "đóng góp" nhiều nhất khi đã tăng hơn gấp đôi lượng e-waste trong giai đoạn này. Theo ghi nhận của nhóm chuyên gia UNU, trung bình mỗi người dân Hồng Công thải ra 21,7kg e-waste trong năm 2015. Theo sau là Singapore và Đài Loan, nơi trung bình mỗi người thải ra 19kg rác thải điện tử. Việt Nam, Campuchia và Philippines là những nước thải ra ít e-waste nhất, khoảng 1kg/người.

Công nhân Trung Quốc xử lý rác thải điện tử. Ảnh: REX
Nghiên cứu chỉ ra việc người tiêu dùng châu Á hiện có xu hướng thay đổi các thiết bị điện tử với mức độ thường xuyên hơn. Thêm vào đó, nhiều sản phẩm được thiết kế để có giá thành sản xuất thấp, trong khi không nhất thiết phải sửa chữa, tân trang hoặc dễ dàng được tái chế. Bên cạnh nạn buôn bán trái phép e-waste toàn cầu, thì những yếu tố thúc đẩy cho xu hướng tăng rác thải tại châu Á là việc thu nhập được cải thiện, nhóm dân số trẻ tuổi gia tăng, sự lỗi thời nhanh chóng của các sản phẩm theo dòng đổi mới công nghệ và nhu cầu thay đổi theo thời trang của người dân.
Mặt khác, một số lượng lớn e-waste từ phương Tây cũng được xuất khẩu sang các quốc gia nghèo ở châu Á, làm gia tăng thêm số lượng rác điện tử trong khu vực giữa lúc nhiều quốc gia thiếu cơ sở hạ tầng để tái chế an toàn và sạch sẽ loại rác nguy hiểm này. Đồng tác giả nghiên cứu và người đứng đầu Chương trình Tái chế bền vững của UNU - Ruediger Kuehr - cảnh báo: "Đối với nhiều nước vốn đã thiếu cơ sở hạ tầng dùng quản lý e-waste theo hướng thân thiện môi trường, thì khối lượng rác đang gia tăng là nguyên nhân gây ra quan ngại".
Trong khi đó, sự tồn tại của các bãi chứa e-waste trái phép và không đủ tiêu chuẩn cũng đồng nghĩa với việc làm tăng nguy cơ con người tiếp xúc với hóa chất độc hại, dẫn đến những hậu quả về sức khỏe và môi trường nghiêm trọng. Cụ thể là nghiên cứu phát hiện việc đốt rác "lộ thiên" và tái chế không an toàn có liên quan tới một loạt vấn đề sức khỏe của các công nhân và cộng đồng dân cư sống gần các bãi tái chế e-waste. Các bệnh lý mà họ thường gặp phải bao gồm chứng vô sinh, các ảnh hưởng xấu trong quá trình phát triển của trẻ em, tổn thương chức năng phổi, hủy hoại gan và thận, tổn thương gien di truyền cũng như mắc các vấn đề tâm thần.
Trong đó, sử dụng axít để tách kim loại trong các sản phẩm điện tử là mối quan tâm đặc biệt. Theo một nghiên cứu công bố năm 2014 từ Đại học Y khoa Sán Đầu (Trung Quốc), do chú trọng xây dựng kinh tế theo hướng tái chế rác thải từ nước ngoài mà thị trấn Guiya ở tỉnh Quảng Đông đang phải đối mặt với tình trạng nhiễm kim loại nặng, khiến cho bầu không khí lẫn nước sinh hoạt trở nên độc hại đối với sức khỏe của người dân địa phương, nhất là trẻ em tại đây được phát hiện có hàm lượng chì trong máu cao.
NG. CÁT (Theo NewScientist, AFP, AP)