27/04/2010 - 10:02

Quyền và tiền

“Cuộc họp Mùa xuân” hàng năm của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington đã kết ngày 25-4 với việc thông qua kế hoạch tăng thêm 3,13% quyền bỏ phiếu cho các nước đang phát triển, trong đó chủ yếu dành cho các nước mới nổi lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil, Ấn Độ chiếm tỷ lệ cao. Chẳng hạn, quyền bỏ phiếu của Trung Quốc tăng từ 2,77% lên 4,42% (tăng 1,65%), Hàn Quốc từ 0,99% lên 1,57% (tăng 0,58%), Brazil từ 2,06 lên 2,24% (tăng 0,18%), Ấn Độ từ 2,77% lên 2,91% (tăng 0,14%)...

Và như vậy, các nước đang phát triển hiện nay đã giành được tổng cộng 47,19% quyền bỏ phiếu, tăng 4,59% so với năm 1988. Đặc biệt, với kết quả trên, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có quyền bỏ phiếu lớn thứ 3 trong số 186 nước thành viên của WB, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản lần lượt giữ quyền bỏ phiếu là 15,85% và 6,84%, và hơn cả Pháp, Anh đều giảm từ 4,17% xuống còn 3,75% .

Dĩ nhiên, để được tăng quyền bỏ phiếu, các nước mới nổi hàng đầu thế giới phải cam kết đóng góp 1,6 tỉ USD trong tổng số 5,1 tỉ USD tăng thêm vào quỹ cho vay trị giá khoảng 40 tỉ USD. Đây là mức tăng đầu tiên trong hơn 20 năm qua, để cung cấp các khoản cho vay lớn hơn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Việc tăng vốn cũng nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay, trợ cấp, đầu tư tài chính và bảo hiểm cho các dự án tư nhân, trị giá hơn 100 tỉ USD trong các cam kết của WB từ tháng 7-2008.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geither cho rằng việc thay đổi cán cân bỏ phiếu phản ánh sự dịch chuyển quyền lực từ các nước thiết lập ra một trong những thế chế lớn nhất thế giới này sang các nền kinh tế mới nổi. Chủ tịch WB Robert Zoellick khẳng định đây là bước tiến mới cho thấy sự cần thiết phải xóa bỏ khái niệm cái gọi là “thế giới thứ ba” và hy vọng sự cân bằng về quyền bỏ phiếu giữa các nước phát triển và đang phát triển trong WB sẽ đạt được trong tương lai gần. Dự kiến, các nước đang phát triển sẽ giành được 50% quyền bỏ phiếu trong đợt cải cách mới sẽ diễn ra vào năm 2015.

Trước WB, ngày 24-4, IMF đã đồng ý tái cơ cấu lại quyền bỏ phiếu giữa các nước phát triển và đang phát triển trước tháng 1-2011. Không biết tỷ lệ bỏ phiếu tăng thêm giữa các nước là bao nhiêu, song theo thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, con số này phải ít nhất là 7%. Trong số này, chắc chắn Trung Quốc vẫn là nước được tăng quyền bỏ phiếu cao nhất.

Như vậy, những thay đổi tại WB và IMF đều có lợi cho Bắc Kinh, dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang giữ vị thế của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Trước đây, cơ chế ra quyết định của WB và IMF bị chỉ trích là cứng nhắc, thiếu dân chủ và không phản ánh được sự tăng trưởng của những nền kinh tế đang phát triển. Chẳng hạn, nền kinh tế Trung Quốc chiếm tới 4% tổng giá trị của kinh tế thế giới vào năm 2005, nhưng tỷ lệ phiếu bầu chỉ chiếm chưa đến 3%. Nay, tỷ lệ ấy đã được điều chỉnh công bằng hơn. Có điều quyền biểu quyết vẫn được tính toán trên mức đóng góp của các thành viên WB và IMF. Nó có nghĩa là nước càng nghèo, mức đóng góp càng ít thì tiếng nói và quyền hạn trong các thể chế tài chính quốc tế này càng nhỏ, và ngược lại vậy thôi...

PHÚC GIA AN
(Theo Xinhua, Bloomberg, Jans, Nytimes)

PHÚC GIA AN (Theo Xinhua, Bloomberg, Jans, Nytimes)

Chia sẻ bài viết